Có thể thấy, đội ngũ cán bộ giảng viên, công chức viên chức của Học viện đã và đang đáp ứng tốt các yêu cầu của nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, giảng dạy lý luận chính trị, đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp. Nhiều cán bộ của Học viện là nhà khoa học có uy tín cao trên các lĩnh vực chuyên ngành, đồng thời là nhà giáo dục, nhà sư phạm gương mẫu. Nhiều giảng viên có khả năng sư phạm tốt, kết hợp một cách sáng tạo các phương pháp nghiên cứu, giảng dạy hiện đại, các phương tiện công nghệ cho từng môn học và từng đối tượng học viên, mang lại hiệu quả cao, phát huy được tính chủ động, tích cực và sáng tạo của người học. Nhiều giảng viên bám sát thực tiễn, tổng kết thực tiễn, phân tích, luận giải vấn đề khoa học nảy sinh từ thực tiễn sâu sắc, thuyết phục...
Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu nhiệm vụ mới, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên, công chức viên chức Học viện vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Đến nay, Học viện mới xây dựng được quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các đơn vị trực thuộc; chưa xây dựng được quy hoạch trung hạn và dài hạn về phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên, công chức viên chức toàn hệ thống và từng đơn vị trực thuộc. Công tác tuyển dụng, bổ sung cán bộ giảng viên, công chức viên chức cũng còn gặp khó khăn, hạn chế. Chưa có cơ chế đủ mạnh để thu hút nhân tài, cán bộ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, giàu kinh nghiệm thực tiễn về công tác ở Học viện. Việc phân công, bố trí cán bộ giảng viên, công chức viên chức trong hệ thống Học viện có lúc, có nơi còn chưa phù hợp, chưa gắn với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; chưa động viên được cán bộ giảng viên, công chức viên chức ra sức phấn đấu nâng cao kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ và trưởng thành về chuyên môn, nghiệp vụ, trở thành chuyên gia, chuyên sâu trong chuyên ngành. Một số cán bộ giảng viên, công chức viên chức được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn cao nhưng chưa phát huy hết năng lực trên lĩnh vực công tác của mình. Số cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn hạn chế; thiếu những chuyên gia đầu ngành trên một số chuyên ngành đặc thù của Học viện. Năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, năng lực tổng kết thực tiễn, khả năng hội nhập quốc tế của không ít cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức còn yếu. Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức còn chưa có chiến lược dài hạn. Mới chú trọng bồi dưỡng viên chức làm nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu mà chưa chú ý đúng mức đội ngũ công chức tham mưu giúp việc, phục vụ, hành chính, hậu cần. Cơ cấu đội ngũ cán bộ giảng viên, công chức viên chức còn chưa hợp lý. Số cán bộ làm công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ, hành chính, hậu cần chiếm tỷ lệ còn cao hơn so với số cán bộ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu. Số cán bộ, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ còn chưa cao và phân bố tập trung chủ yếu ở Trung tâm Học viện và ở một số chuyên ngành. Số cán bộ có chức danh giáo sư giảm mạnh và chiếm tỷ lệ thấp so với nhiều cơ sở đào tạo đại học, sau đại học. Đội ngũ giảng viên ở một số chuyên ngành còn thiếu và yếu cả về số lượng, cơ cấu và năng lực, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác đánh giá, phân loại, sàng lọc cán bộ, công chức, viên chức chưa được chú ý đúng mức, còn có tình trạng cào bằng, bình quân chủ nghĩa trong đánh giá, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ...
Xây dựng đội ngũ cán bộ Học viện là một nội dung trọng tâm tại Hội thảo khoa học “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: 70 năm xây dựng và phát triển” vừa diễn ra tại Hà Nội
2. Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9-10-2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục phát triển đội ngũ cán bộ lý luận, các chuyên gia đầu ngành; nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, nhất là năng lực phân tích, dự báo (...) hình thành đội ngũ cán bộ đầu đàn và các lớp cán bộ kế tiếp, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài (...) Từ nay đến năm 2030, tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nâng cao năng lực khoa học phục vụ phát triển công tác lý luận, bảo đảm cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[i]. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nêu rõ: “Đầu tư thích đáng cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận, nhất là những chuyên gia đầu ngành; nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đáp ứng yêu cầu mới”[ii]. Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 8-8-2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã xác định: “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của hệ thống chính trị; trung tâm quốc gia nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý”[iii].
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ nêu trên, cần phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên, công chức viên chức Học viện đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp mẫu mực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có năng lực sư phạm, phong cách làm việc khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Nâng cao trình độ lý luận chính trị, nâng cao bản lĩnh, quan điểm, lập trường tư tưởng, phẩm chất chính trị của cán bộ giảng viên, công chức viên chức Học viện là nhiệm vụ cần quan tâm hàng đầu hiện nay. Trước những vấn đề mới, phức tạp nảy sinh trong thực tiễn đất nước, khu vực và thế giới; các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đội ngũ cán bộ của Học viện phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh, quan điểm, lập trường chính trị; có hiểu biết sâu sắc, toàn diện về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời còn cần có sự hiểu biết sâu rộng các trào lưu, khuynh hướng tư tưởng chính trị trên thế giới, các vấn đề trong quan hệ quốc tế; am hiểu sâu sắc tình hình thực tiễn của đất nước và thế giới; đi đầu trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống những quan điểm, luận điệu lệch lạc, sai trái, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đi đầu trong việc phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, phòng chống tiêu cực, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đội ngũ cán bộ giảng viên, công chức, viên chức Học viện cần được trang bị kiến thức toàn diện, tri thức chuyên sâu, kỹ năng nghiệp vụ thành thạo, phương pháp làm việc khoa học, hiện đại. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, kiến thức thực tiễn, chuyên ngành; kỹ năng nghiên cứu, giảng dạy hiện đại; kỹ năng lãnh đạo, quản lý, phương pháp xử lý tình huống; ngoại ngữ, công nghệ thông tin... cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Chú trọng đồng thời việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và cả đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hành chính, hậu cần, phục vụ.
Nâng cao năng lực tổ chức, quản lý các hoạt động khoa học, đào tạo và quản trị cơ quan của cán bộ công chức, viên chức Học viện. Chú trọng hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành... Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trong hệ thống Học viện theo nguyên tắc đảm bảo tính hệ thống, thống nhất và chia sẻ. Đồng thời, tăng cường hơn nữa tính chủ động của Học viện và các đơn vị trực thuộc trong việc phối hợp với các các bộ, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Có cơ chế, chính sách thu hút cán bộ giỏi, am hiểu thực tiễn, nhất là kinh qua thực tiễn lãnh đạo, quản lý ở các địa phương, bộ, ban, ngành về công tác tại Học viện.
Nhiệm vụ đẩy mạnh “hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học với các cơ quan đào tạo và nghiên cứu khoa học của các nước, các đảng cộng sản và công nhân, các lực lượng cánh tả và tiến bộ, các chính đảng và đảng cầm quyền ở các nước trên thế giới”[iv] của Học viện trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi đội ngũ cán bộ giảng viên, công chức, viên chức của Học viện phải nỗ lực nâng cao trình độ ngoại ngữ để tiếp cận và làm chủ tri thức lý luận chính trị và thực tiễn thế giới, chủ động giao thiệp, trao đổi, đối thoại với các đối tác nước ngoài; nâng cao khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Cán bộ giảng viên, công chức, viên chức Học viện phải tiên phong trong việc thực hiện thực hiện văn hóa trong Đảng, văn hóa công vụ. Thực hiện tốt văn hóa Trường Đảng. Xây dựng tác phong công tác khoa học; gương mẫu về đạo đức, lối sống.
Trong những năm tới, Học viện tập trung thực hiện Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 17-5-2019 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, phấn đấu đến năm 2025: đội ngũ giảng viên của Học viện có cơ cấu 4 độ tuổi, bảo đảm sự kế thừa liên lục: dưới 40 tuổi chiếm 15%; từ 40-50 tuổi chiếm 35-40%; từ 50-60 tuổi chiếm 35-40%; trên 60 tuổi chiếm 5-10%. Giai đoạn đến năm 2030: giảng viên chiếm tỷ lệ tối thiểu 65% công chức, viên chức trong từng đơn vị trực thuộc Học viện. Tối thiểu 70% trở lên giảng viên được chuẩn hóa, có trình độ chuyên môn phù hợp chức danh, vị trí việc làm, thành thạo phương pháp nghiên cứu khoa học và phương pháp giảng dạy hiện đại; 50% chuyên ngành khoa học của Học viện có chuyên gia đầu ngành. Tối thiểu 50% cán bộ khoa học dưới 40 tuổi sử dụng trực tiếp ngoại ngữ (tiếng Anh) trong nghiên cứu và giảng dạy; đủ giảng viên thành thạo tiếng Lào trực tiếp dịch, tham gia đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Đến năm 2030, 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý được trang bị kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý tiên tiến; có khả năng tổ chức, quản lý, điều hành hiệu quả các hoạt động của Học viện, nhất là quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Đến năm 2030, 100% công chức được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm; sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện hiện đại, nâng cao hiệu quả các mặt công tác; có ý thức trách nhiệm, tinh thần thái độ phục vụ văn minh, hiện đại.
Trong những năm tới, Học viện quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và hệ thống các giải pháp toàn diện, đồng bộ đã được xác định trong Đề án của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là:
1) Đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Học viện về phẩm chất chính trị, đạo đức; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; khả năng sử dụng ngoại ngữ trong công việc; kỹ năng giảng dạy lý luận chính trị; kỹ năng lãnh đạo, quản lý; kỹ năng áp dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học và giảng dạy.
2) Tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ phù hợp với yêu cầu và thực tiễn. Thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng nhóm đối tượng, tăng cường nghiên cứu thực tế. Có chính sách ưu tiên nâng cao năng lực đối với đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực.
3) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về năng lực, trình độ, kỹ năng, phương pháp nghiên cứu và giảng dạy của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện.
4) Xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ. Xây dựng, ban hành bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, khung năng lực của ngũ công chức, viên chức Học viện trong giai đoạn mới về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; kiến thức (chuyên môn, ngoại ngữ, tin học); năng lực, kỹ năng phù hợp với từng chức danh, vị trí việc làm (năng lực tư duy; năng lực phân tích, đánh giá; năng lực tổng hợp; năng lực vận dụng sáng tạo kiến thức vào thực tiễn; kỹ năng lãnh đạo, quản lý, xử lý tình huống); phong cách người cán bộ trường Đảng.
5) Hoàn thiện các quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với quy định mới của Đảng và pháp luật. Xây dựng, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức theo từng chức danh. Thực hiện hiệu quả công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện tuyển dụng, bổ sung kịp thời đội ngũ cán bộ, giảng viên, ưu tiên đối tượng trẻ, tài năng, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế và cán bộ giàu kinh nghiệm thực tiễn từ các cơ quan, đơn vị, địa phương. Có cơ chế, chính sách để thu hút nhân lực có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức về công tác tại Học viện.
6) Xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiện đại đối với công chức, viên chức, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tổ chức các lớp đào tạo cơ bản về lý luận và phương pháp nghiên cứu, giảng dạy hiện đại. Nguồn tuyển sinh là sinh viên tốt nghiệp đại học đạt loại xuất sắc, giỏi các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn. Mở các lớp cử nhân tài năng cho các chuyên ngành lý luận chính trị. Nguồn tuyển sinh là học sinh phổ thông có kết quả học tập đạt loại xuất sắc, giỏi. Mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho giảng viên Học viện: Các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành; các lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy lý luận chính trị; các lớp bồi dưỡng phương pháp nghiên cứu khoa học; các lớp ngoại ngữ trình độ đại học và nâng cao cho giảng viên Học viện; các lớp bồi dưỡng tin học (ứng dụng và nâng cao); các lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; các lớp bồi dưỡng về quản trị đơn vị, quản lý nhân sự, dự án; các khóa đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ở nước ngoài hoặc có sự tham gia giảng dạy của chuyên gia nước ngoài các chuyên đề ngắn hạn, trung hạn về kỹ năng lãnh đạo, quản lý về phương pháp giảng dạy, phương pháp quản lý đào tạo, phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại. Tuyển chọn giảng viên, có năng lực để đào tạo bậc tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài; giảng viên dưới 45 tuổi có trình độ tiếng Anh tối thiểu từ 4.5 đến 5.5 IELTS và tương đương để bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ ở nước ngoài.
7) Tăng cường công tác luân chuyển, biệt phái và đi thực tế. Hằng năm, cử khoảng 5% tổng số công chức, viên chức Học viện luân chuyển, biệt phái, đi thực tế có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm tại các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương. Tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành quy chế phối hợp giữa Học viện với các tỉnh ủy, thành ủy và chính quyền địa phương trong việc cử cán bộ đi luân chuyển, biệt phái (được bố trí đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc biệt phái để nghiên cứu, tổng kết thực tiễn).
8) Tăng cường các chương trình, đề tài tổng kết thực tiễn, phối hợp các bộ, ngành, địa phương để cử công chức, viên chức Học viện tham gia nghiên cứu, tổng kết thực tiễn theo chuyên đề. Gắn nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn. Tăng cường trao đổi học thuật giữa Học viện với các tổ chức khoa học, nghiên cứu, đào tạo có uy tín trên thế giới.
9) Tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về chế độ, chính sách đối với đội ngũ công chức, viên chức Học viện phù hợp với thực tế. 10) Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chia sẻ tri thức toàn cầu.
* *
*
Để xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên, công chức viên chức Học viện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới đòi hỏi sự quan tâm sát sao, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp, ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương; sự lãnh đạo, quản lý, điều hành tập trung của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, tập thể lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và sự nỗ lực phấn đấu của mỗi cán bộ giảng viên, công chức viên chức Học viện.
Với quyết tâm chính trị cao, với sự chung sức, đồng lòng, chúng ta nhất định sẽ xây dựng, phát triển được đội ngũ cán bộ giảng viên, công chức viên chức của Học viện kế thừa truyền thống anh hùng vẻ vang của các thế hệ đi trước, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong giai đoạn mới.
PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
*Bài viết được thực hiện trên cơ sở báo cáo, tư liệu của Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019-2030.
[i] Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9-10-2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030.
[ii] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.201.
[iii] Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 8-8-2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[iv] Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 8-8-2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Thông tin được cập nhật đến năm 2019
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
Trụ sở: 135 Nguyễn Phong Sắc - Nghĩa Tân –
- Cầu Giấy – Hà Nội
Giấy phép xuất bản số: 99/GP-TTDT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/09/2008
Tổng biên tập: PGS, TS. Dương Trung Ý
Email:
Điện thoại:
Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (www.hcma.vn)" khi phát hành lại thông tin từ Website này