Sau Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ VI (14 đến 18-01-1949), thực hiện chủ trương của Đảng về công tác huấn luyện cán bộ phục vụ sự nghiệp cách mạng, Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc chính thức trở thành Trường huấn luyện cán bộ hoạt động thường xuyên, với địa điểm đầu tiên của Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc đặt tại Làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Khoá I được mở từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 4/1949, có 40 học viên.
Tháng 9-1949, trong ngày khai giảng lớp lý luận dài hạn khoá II, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm trường và nói chuyện với học viên, Người đã ghi vào cuốn Sổ vàng nhà trường những lời huấn thị bất hủ:
Có thể nói, sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và có buổi nói chuyện với cán bộ, học viên nhà trường là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong truyền thống vẻ vang của Học viện, đồng thời, đánh dấu bước phát triển mới trong công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ của Đảng. Lúc này, với vai trò là nòng cốt của phong trào huấn luyện và học tập trên toàn quốc, Trường đã đào tạo một đội ngũ huấn luyện viên cho các cấp, bao gồm huấn luyện viên chuyên nghiệp và cán bộ lãnh đạo được sử dụng làm huấn luyện viên kiêm chức. Trường Đảng đã bám sát nhiệm vụ chính trị, coi trọng việc quán triệt đường lối cách mạng của Đảng, đồng thời hết sức coi trọng việc giáo dục phẩm chất, giáo dục tác phong, lề lối làm việc cho đội ngũ cán bộ.
Tiếp theo các lớp lý luận dài hạn khoá I và khoá II, nhà trường đã mở liên tiếp các lớp khác. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã thường xuyên đến giảng bài tại các lớp học.
Nhân tố quan trọng để đảm bảo hiệu quả huấn luyện là giảng viên, Bác Hồ khẳng định: "Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội. Người huấn luyện của đoàn thể phải là kiểu mẫu của mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc. Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được việc huấn luyện của mình ... Người huấn luyện nào tự cho mình đã biết đủ cả rồi thì người đó dốt nhất". Huấn thị trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi sáng cho công tác giáo dục - đào tạo của Học viện trong các giai đoạn phát triển.
Tháng 8-1950, Trường chuyển lên xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.
Tháng 2-1951, Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng quyết định đường lối, chủ trương đẩy mạnh kháng chiến chống thực dân Pháp, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng để lãnh đạo kháng chiến đến toàn thắng. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh "Học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận, chỉnh đốn tổ chức là những việc cần kíp của Đảng"
Thực hiện Nghị quyết Đại hội, ngày 31/5/1951, Trường Đảng Trung ương khai giảng khóa đào tạo cán bộ tại địa điểm mới của trường là khu đồi lịch sử - nơi vừa tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (Chiêm Hóa - Tuyên Quang). Khoá học diễn ra trong 5 tháng rưỡi, có 222 học viên gồm cán bộ chính trị, quân sự, cán bộ công tác vùng địch tạm chiến và vùng tự do thuộc cả ba khu vực Bắc, Trung, Nam, và cán bộ làm nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào và Campuchia.
Từ năm 1952, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ của nhân dân Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ, giành nhiều thắng lợi cả về quân sự, chính trị và kinh tế. Yêu cầu của công cuộc kháng chiến và xây dựng Đảng đòi hỏi Đảng phải tiến hành một đợt giáo dục chính trị, tư tưởng tập trung quy mô toàn Đảng, toàn quân và trong toàn thể cán bộ kháng chiến. Đáp ứng yêu cầu đó, Trung ương đã chỉ thị tiến hành chỉnh huấn, coi đây là một công tác lớn của Đảng. Trường Đảng Trung ương đã tập trung phục vụ chỉnh huấn, tiến hành mở các lớp chỉnh huấn cho cán bộ ở trung ương và cán bộ chủ chốt cấp liên khu và tỉnh, thành phố. Từ tháng 8-1952 đến tháng 6 -1953, Trường Đảng đã mở liên tục nhiều lớp chỉnh huấn đạt kết quả tốt.
Do hoàn cảnh của cuộc kháng chiến, Trường phải chuyển địa điểm nhiều lần ở các huyện Yên Sơn và Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang. Trước khi chuyển về Hà Nội, Trường chuyển đến huyện Đan Phượng tỉnh Hà Đông và tiếp tục mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có các lớp cán bộ miền Nam.
Trong thời kỳ phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trường đã đào tạo, bồi dưỡng được 5.750 cán bộ. Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó, phục vụ sự nghiệp cách mạng chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần vào thắng lợi giải phóng hoàn toàn miền Bắc vào năm 1954./
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
Trụ sở: 135 Nguyễn Phong Sắc - Nghĩa Tân –
- Cầu Giấy – Hà Nội
Giấy phép xuất bản số: 99/GP-TTDT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/09/2008
Tổng biên tập: PGS, TS. Dương Trung Ý
Email:
Điện thoại:
Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (www.hcma.vn)" khi phát hành lại thông tin từ Website này