Công tác trường chính trị được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh triển khai gồm các nhiệm vụ chủ yếu sau: chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai quy định của Ban Bí thư về xây dựng trường chính trị chuẩn; xây dựng, hướng dẫn và thống nhất quản lý việc thực hiện chương trình, nội dung đào tạo và bồi dưỡng; phương pháp giảng dạy và học tập; nghiên cứu khoa học; quy chế quản lý đào tạo; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; đào tạo, bồi dưỡng giảng viên của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tham gia đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị liên quan đến lĩnh vực thuộc chức năng của Học viện; tham gia ý kiến về việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo chủ chốt của các trường chính trị. Từ năm 2019 đến nay, được sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương tới địa phương; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị tham mưu trong Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh, công tác trường chính trị đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng có tính đột phá, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển Học viện.
1. Thể chế về công tác trường chính trị ngày càng đầy đủ và hoàn thiện
Thể chế về công tác trường chính trị ngày càng đầy đủ và hoàn thiện với nhiều đổi mới từ khâu xây dựng dự thảo đến triển khai thực hiện. Học viện đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban Đảng Trung ương, từ xin chủ trương của Ban Bí thư, thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, xây dựng dự thảo Đề án, tổ chức lấy ý kiến góp ý của 63 tỉnh uỷ, thành uỷ và trường chính trị cả nước tham mưu nhiều văn bản quan trọng có liên quan trực tiếp và góp ý vào Dự thảo các văn bản của Trung ương có liên quan đến công tác trường chính trị[1]. Trong đó, Quy định số 11-QĐ/TW là văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp các trường chính trị khắc phục được những khó khăn, tạo bước đột phá để hệ thống trường chính trị trên cả nước nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng, hiệu quả tốt nhất, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta hiện nay và trong thời gian tới. Học viện tổ chức triển khai văn bản của Trung ương về công tác trường chính trị như tổ chức Hội nghị triển khai Quy định số 09-QĐi/TW với sự tham dự của thường trực các tỉnh ủy, thành ủy, ban tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy, ban giám hiệu các trường chính trị; ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW và Hướng dẫn quy trình công nhận trường chính trị chuẩn và cụ thể hóa một số nội dung của Quy định số 11-QĐ/TW[2].
Các văn bản của Trung ương do Học viện tham mưu ban hành hoặc góp ý luôn bám sát thực tiễn cách mạng cũng như yêu cầu của Đảng và Nhà nước đối với công tác trường chính trị, từng bước thống nhất vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị cấp tỉnh, thúc đẩy các trường đổi mới toàn diện các mặt công tác hướng tới xây dựng trường chính trị chuẩn, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, vai trò của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Phạm vi thẩm quyền của trường chính trị cấp tỉnh không ngừng được mở rộng; nhiều nhiệm vụ mới và khó được giao cho trường chính trị đảm nhiệm, tương xứng với vị trí là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ duy nhất ở cấp tỉnh; là cơ quan tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Công tác cán bộ của các trường được quan tâm, chăm lo hơn, nhiều đồng chí thường vụ tỉnh ủy đồng thời là hiệu trưởng trường chính trị, nhiều cán bộ, giảng viên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; cơ sở vật chất - kỹ thuật của nhiều trường được đầu tư, nâng cấp, hàng chục trường được xây mới hiện đại.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện đã ban hành nhiều văn bản quy phạm theo thẩm quyền điều chỉnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, xây dựng văn hóa trường Đảng, thi đua - khen thưởng[3]. Năm 2022, để triển khai Quy định số 11-QĐ/TW, tạo thể chế đồng bộ trong công tác trường chính trị, Học viện ban hành 3 quy định, quy chế: Quy định đánh giá chất lượng đào tạo Trung cấp lý luận chính trị; Quy định đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến; Quy chế Hội thi giảng viên dạy giỏi. Công tác xây dựng quy chế, quy định được triển khai công phu, bài bản, khoa học, từ sơ kết, đánh giá tình hình, hiệu quả thực hiện quy chế, quy định đến xây dựng dự thảo, tổ chức lấy ý kiến góp ý của các trường trên cả nước. Năm 2024, Học viện ban hành Hướng dẫn số 2967-HD/HVCTQG ngày 04/3/2024 thực hiện chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị) đối với các học viện, nhà trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Các quy định, quy chế được ban hành tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, toàn diện để các trường triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định, kịp thời đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn.
2. Chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị được xây dựng, biên soạn ngày càng đầy đủ, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa chương trình, loại hình đào tạo, bồi dưỡng
Chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị luôn được Học viện quan tâm thực hiện theo phương châm “cơ bản, hiện đại, thiết thực, gắn với thực tiễn”; chú trọng hơn về phương pháp luận, tính định hướng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kỹ năng công tác và phong cách lãnh đạo, quản lý; gắn đào tạo cơ bản với bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng chức danh, tăng cường trách nhiệm của cả người dạy và người học, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng toàn diện, đáp ứng chiến lược cán bộ của từng giai đoạn cách mạng. Học viện đổi mới, xây dựng, biên soạn giáo trình, tài liệu và hướng dẫn các trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng[4]. Học viện cũng đã hướng dẫn thống nhất trong cả nước (gồm 63 trường chính trị và 18 học viện, trường thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao nhiệm vụ đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị) biên soạn, giảng dạy phần học “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương (hoặc ngành)" thuộc Chương trình Trung cấp Lý luận chính trị. Các trường tổ chức biên soạn, Học viện thẩm định, Nhà xuất bản Lý luận chính trị xuất bản giáo trình để thực hiện đồng bộ, chuẩn hóa hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập.
3. Tăng cường kết nối hệ thống trường Đảng trên cả nước
Học viện đã tăng cường chỉ đạo, quản lý hệ thống đối với các trường chính trị, trường bộ, ngành thông qua tổ chức 44 đoàn công tác của Giám đốc và lãnh đạo Học viện với các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, lãnh đạo một số bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các trường chính trị, trường bộ, ngành về nhiều nội dung quan trọng khác nhau, không chỉ bó hẹp trong phạm vi công tác trường chính trị. Đó là một bước đột phá mới đặc biệt có ý nghĩa, được lãnh đạo các địa phương, các ngành, các trường đánh giá rất cao. Sau các cuộc làm việc, Giám đốc Học viện ban hành Thông báo Kết luận gửi tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân và trường chính trị các tỉnh, đề cập nhiều vấn đề cụ thể; kiến nghị các tỉnh, thành ủy phối hợp chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng, công tác trường chính trị và các mặt công tác khác có liên quan. Nhờ đó, công tác phối hợp giữa Học viện với các tỉnh ủy, thành ủy được đẩy mạnh, nhiều vấn đề cụ thể trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn... đã được các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo sát sao, quan tâm cụ thể hơn, tích cực hơn với những chuyển biến rõ rệt; vị thế của các trường chính trị được nâng cao.
Đặc biệt, sau khi Ban Bí thư ban hành Quy định số 11-QĐ/TW, Giám đốc Học viện đã tổ chức 35 đoàn công tác làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy để chỉ đạo, định hướng công tác trường chính trị, trọng tâm là thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn. Theo đề nghị của Học viện, nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã phân công các đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phụ trách trường chính trị, tổ chức định kỳ làm việc với trường chính trị, trực tiếp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, kịp thời chỉ đạo và giải quyết các đề xuất, kiến nghị theo thẩm quyền. Nhờ vậy, công tác lãnh đạo của tỉnh ủy, thành ủy đối với các trường cũng kịp thời hơn, hiệu quả hơn, việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên các trường được chăm lo hơn, hàng chục trường được đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật theo hướng hiện đại. Thực hiện Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 08/8/2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, từ năm 2019 đến nay, Giám đốc Học viện đã có ý kiến về tiêu chuẩn bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của hơn 30 trường chính trị cấp tỉnh.
4. Công tác thi đua đối với hệ thống trường chính trị cấp tỉnh được đổi mới
Học viện đã đổi mới công tác thi đua đối với hệ thống trường chính trị cấp tỉnh, thành lập các cụm thi đua của các trường chính trị, trường bộ, ngành và tổ chức phong trào thi đua vừa theo cụm, vừa theo trường. Việc chia cụm thi đua có tác dụng rất tích cực, không chỉ gắn kết các trường theo vị trí địa lý mà còn thúc đẩy toàn diện hoạt động của các trường, nhất là về chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là bước đi mang tính đột phá góp phần thúc đẩy phong trào thi đua phát triển sâu rộng, tạo động lực quan trọng trong các trường chính trị cấp tỉnh. Giám đốc Học viện định kỳ gặp mặt và khen thưởng cống hiến đối với hiệu trưởng, phó hiệu trởởng các trường chính trị nghỉ hưu; tặng 2 loại kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị”, “Vì sự nghiệp lịch sử Đảng” cho cán bộ, viên chức trường chính trị, trường bộ, ngành; hiệp y khen thưởng cấp nhà nước đối với các tập thể, cá nhân của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh[5].
5. Chú trọng tổ chức sơ kết, tổng kết thực tiễn nhiều hoạt động quan trọng của công tác trường chính trị
Học viện đã tổ chức sơ kết, tổng kết thực tiễn nhiều hoạt động quan trọng của công tác trường chính trị, như: Sơ kết 02 năm thực hiện Quy định số 09-QĐ/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị cấp tỉnh; Tổng kết 5 năm tổ chức cụm thi đua trường chính trị, trường bộ, ngành; Tổng kết 5 năm thực hiện đào tạo Trung cấp lý luận chính trị tại các trường bộ, ngành; Tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sơ kết 01 năm thực hiện bộ quy chế quản lý đào tạo và quy chế quản lý hoạt động bồi dưỡng của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sơ kết công tác hướng dẫn, biên soạn tài liệu học phần “Tình hình, nhiệm vụ của địa phương” trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; Sơ kết 2 năm thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. Kết quả sơ kết, tổng kết là cơ sở thực tiễn quan trọng để Học viện có thêm cơ sở định hướng nhiệm vụ, giải pháp trong công tác trường chính trị.
6. Các trường chính trị cấp tỉnh ngày càng được chuẩn hóa
Thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tỉnh ủy, thành ủy, sự chỉ đạo chuyên môn của Học viện, đặc biệt là Nghị quyết số 21-NQ/ĐU ngày 30/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện ban hành về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy Học viện trong triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW, các trường chính trị ngày càng được chuẩn hóa. Đây là lần đầu tiên Đảng ủy Học viện ban hành một Nghị quyết chuyên đề và cũng là Nghị quyết đầu tiên của Đảng ủy Học viện được triển khai tới 63 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương trên cả nước. Nhờ đó, trong giai đoạn 2020-2024, số lượng cán bộ, giảng viên trường chính trị được cử đi đào tạo nâng cao trình độ và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cao nhất từ trước đến nay, với 321 cán bộ, giảng viên được cử đi học nghiên cứu sinh, 658 giảng viên được cử đi học cao cấp lý luận chính trị; 9.276 lượt cán bộ, giảng viên tham dự các khoá bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học do Học viện tổ chức. Nhiều trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban, ngành ở địa phương duy trì và thực hiện tốt việc đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn. Hoạt động dự giờ, thao giảng cấp khoa, tham gia hội thi giảng viên giỏi cấp trường được thực hiện đúng quy chế, quy định của Học viện. Học viện cũng đã tổ chức thành công 02 kỳ Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường bộ, ngành với 270 lượt giảng viên tham gia (năm 2021, 2023). Công tác tổ chức Hội thi ngày càng bài bản, khoa học, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Học viện với các địa phương, đơn vị đăng cai. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, viên chức hệ thống trường chính trị đã có sự trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, với 3 phó giáo sư, 163 tiến sĩ, 1867 thạc sĩ, 1.702 cán bộ có trình độ lý luận chính trị cao cấp, 709 cán bộ có trình độ lý luận chính trị trung cấp, 29 giảng viên cao cấp, 985 giảng viên chính, vượt xa thời điểm năm 2021: chỉ có 58 tiến sĩ, 1.532 cán bộ có trình độ lý luận chính trị cao cấp, 248 cán bộ có trình độ lý luận chính trị trung cấp, 13 giảng viên cao cấp, 772 giảng viên chính...
Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, nhiều trường thực hiện tốt việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, tiếp tục đổi mới đồng bộ các khâu tuyển sinh, mở lớp, quản lý học viên, thực hiện nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức giảng dạy... Các trường chính trị đã tổ chức tổng số 14.453 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 1.116.908 học viên. Đáng chú ý là tỷ lệ lớp tập trung tăng cao. Trước năm 2021, tỷ lệ lớp tập trung/không tập trung là 1/6, nhưng từ năm 2021 đến nay, trong tổng số 4398 lớp Trung cấp Lý luận chính trị, có 894 lớp hệ tập trung, đạt tỷ lệ lớp tập trung/không tập trung là 1/4,9. Học viện đặc biệt chú trọng hướng dẫn, tư vấn, giúp các trường chính trị, các cụm thi đua tổ chức nghiên cứu nhiều đề tài cấp tỉnh, tổ chức các hội thảo khoa học, triển khai các nhiệm vụ tổng kết thực tiễn của địa phương góp phần nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của trường chính trị, tạo vị thế mới cho các trường chính trị trong hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tại địa phương. Từ 2020 đến nay, các trường chính trị tổ chức nghiên cứu được 40 đề tài cấp bộ, 141 đề tài cấp tỉnh, 1012 đề tài cấp trường, 8 hội thảo cấp quốc gia, 164 hội thảo cấp bộ và khu vực, 233 hội thảo cấp tỉnh và 711 hội thảo cấp trường, xuất bản 151 đầu sách chuyên khảo. Cán bộ, viên chức các trường đã đăng tải 64 bài viết khoa học trên các tạp chí nước ngoài, 1211 bài đăng trên tạp chí khoa học trong nước... Trên cơ sở kết quả xây dựng trường chính trị chuẩn, Học viện chủ trì, phối hợp triển khai thẩm định, công nhận trường chính trị đạt chuẩn bài bản, khoa học, nghiêm túc, chặt chẽ theo phương châm thực chất, khách quan, không hình thức, không nợ tiêu chí. Đến nay, Giám đốc Học viện đã công nhận 9 trường chính trị[6] đạt chuẩn mức 1. Lễ công bố Quyết định công nhận trường chính trị đạt chuẩn được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, có sức lan tỏa đến các trường chính trị trong khu vực và cả nước.
7. Hoạt động hợp tác quốc tế về công tác trường chính trị được đổi mới, mở rộng
Nhằm tạo điều kiện cho giảng viên học tập kinh nghiệm quốc tế, mở rộng kiến thức, nâng cao trình độ, Học viện đổi mới, mở rộng hợp tác quốc tế về công tác trường chính trị trên nhiều hoạt động. Trong xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị dành cho cán bộ Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Vụ tham mưu mời Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào tham gia xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình; triển khai lấy ý kiến góp ý của cán bộ Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đang học tập tại Việt Nam. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, tham mưu Học viện phối hợp với Trung tâm Việt - Úc giao 14 trường chính trị tổ chức 14 hội thảo khoa học cấp Bộ thuộc Dự án Diễn đàn phát triển địa phương. Trong bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, giảng viên trường chính trị, Học viện mời các chuyên gia Úc tham gia giảng dạy, giúp học viên là cán bộ lãnh đạo trường chính trị, trường bộ, ngành được tiếp cận, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm quản trị của các quốc gia phát triển. Trong hoạt động nghiên cứu thực tế, học tập kinh nghiệm nước ngoài, Học viện đã tổ chức thành công Đoàn cán bộ lãnh đạo, quản lý của các trường chính trị đi khảo sát, nghiên cứu, học tập tại Trung Quốc (gồm 20 đồng chí). Đoàn đã làm việc với Trường Đảng thành phố Bắc Kinh, Trường Đảng thành phố Thượng Hải. Nghe báo cáo chuyên đề về kinh nghiệm xây dựng, phát triển Trường Đảng; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; công tác nghiên cứu khoa học; công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên; công tác xây dựng Đảng, đoàn thể... Sau chuyến đi, các thành viên có báo cáo thu hoạch cá nhân và nhiều trường đã tổ chức buổi thông tin kết quả nghiên cứu đến toàn thể cán bộ, giảng viên trường. Học viện phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy chọn cử 15 cán bộ lãnh đạo, quản lý của các trường chính trị tham gia các đoàn công tác của Học viện đi học tập, bồi dưỡng tại Pháp, Úc, Singapore. Nội dung chương trình nghiên cứu, khảo sát, học tập tại nước ngoài được đánh giá là bổ ích, thiết thực, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý; từ những mô hình hay, kinh nghiệm quý đã được nghiên cứu, học tập, góp phần hình thành, đổi mới tư duy, cách làm của các trường chính trị cấp tỉnh.
Kết luận
Trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, với gần 3 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời; sự quan tâm phối hợp có hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương trong triển khai các hoạt động liên quan đến công tác trường chính trị; sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương, cấp uỷ các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đối với các trường chính trị, trường bộ, ngành, công tác trường chính trị đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, tạo ra những bước phát triển mới cả về chiều rộng và chiều sâu, đồng thời đặt nền móng cho công tác trường chính trị trên những chặng đường phía trước.
[1] Các văn bản Học viện chủ trì xây dựng Dự thảo: Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 về trường chính trị chuẩn.
Các văn bản Học viện góp ý, tham gia dự thảo: Quyết định 705/QĐ-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống; Quy định số 57-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị; Quy định số 208-QĐ/TW ngày 08/11/2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện; Kết luận số 09-KL/TW ngày 09/7/2021 của Ban Bí thư về xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên; Nghị định số 103/2022/NĐ-CP ngày 12/12/2022 của Chính phủ về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; Quyết định số 88-QĐ/TW ngày 01/12/2022 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Trung ương; dự thảo Kế hoạch tổng kết 10 năm Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”; dự thảo Quy chế phối hợp giữa các cơ quan Trung ương trong hoạt động định hướng, quản lý, nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trong Đảng và hệ thống chính trị do Ban Tuyên giáo Trung ương soạn thảo; góp ý Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Quy định số 164-QĐ/TW ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với lãnh đạo, quản lý các cấp và Quy định số 145-QĐ/TW ngày 10/5/2024 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tham gia tổng kết Quy định 256-QĐ/TW ngày 16/9/2009 của Ban Bí thư về xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên và các văn bản quy định về tiêu chuẩn, đối tượng và phân cấp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (2009-2020).
[2] Kế hoạch số 380-KH/HVCTQG ngày 06/9/2021 về triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn (giai đoạn 2021-2025); Hướng dẫn số 381-HD/HVCTQG ngày 06/9/2021 về quy trình công nhận trường chính trị chuẩn và cụ thể hóa một số nội dung của Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn; Hướng dẫn số 61-HD/HVCTQG ngày 17/5/2024 về quy trình công nhận trường chính trị chuẩn và cụ thể hóa một số nội dung của Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn (thay thế Hướng dẫn 381).
[3] Bộ Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (được ban hành năm 2019), Bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (năm 2021)...
[4] Chương trình Trung cấp lý luận chính trị (được ban hành năm 2021, ngay sau khi kết thúc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng); Chương trình bồi dưỡng cấp ủy cơ sở (được ban hành năm 2020); Chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở (được ban hành năm 2020). Học viện đã chủ trì triển khai nghiên cứu, xây dựng và ban hành một số chương trình mới, lần đầu tiên được giao nhiệm vụ như: Chương trình Trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Chương trình Sơ cấp lý luận chính trị; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ cấp xã; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã.
[5] Từ năm 2019-2023, Vụ đã tham mưu Học viện trao tặng kỷ niệm chương cho 523 cán bộ, giảng viên trường chính trị; khen thưởng cống hiến cho 40 đồng chí hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường chính trị nghỉ hưu hoặc nghỉ quản lý; tham mưu Giám đốc Học viện ký hiệp y khen thưởng cho 24 tập thể và 9 cá nhân.
[6] Trường Chính trị tỉnh Lào Cai, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An, Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc, Trường Chính trị Tô Hiệu thành phố Hải Phòng, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tỉnh Thừa Thiên Huế, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang.
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
Trụ sở: 135 Nguyễn Phong Sắc - Nghĩa Tân –
- Cầu Giấy – Hà Nội
Giấy phép xuất bản số: 99/GP-TTDT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/09/2008
Tổng biên tập: PGS, TS. Dương Trung Ý
Email:
Điện thoại:
Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (www.hcma.vn)" khi phát hành lại thông tin từ Website này