Trong những năm qua, nhất là giai đoạn 2014 - 2019, cùng với những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của Học viện, hoạt động hợp tác quốc tế cũng có những bước phát triển cả về quy mô và nội dung, tạo nên sự chuyển biến cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Hoạt động hợp tác quốc tế đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần vào sự phát triển toàn diện của Học viện.
Trong những năm qua, nhất là giai đoạn 2014 - 2019, cùng với những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của Học viện, hoạt động hợp tác quốc tế cũng có những bước phát triển cả về quy mô và nội dung, tạo nên sự chuyển biến cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Hoạt động hợp tác quốc tế đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần vào sự phát triển toàn diện của Học viện.
1. Mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế
Đến nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có quan hệ với trên 60 đối tác quốc tế bao gồm các đối tác truyền thống, ổn định và cả những đối tác mới. Đặc biệt, với Trường Đảng Trung ương Bắc Kinh, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Lào và một số Trường Đảng tỉnh, thành phố của Trung Quốc và Lào, Học viện đã xây dựng quan hệ ở cả cấp Học viện và các Học viện trực thuộc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Học viện (4/2016)
Đồng thời đã thiết lập quan hệ với nhiều đối tác mới là những trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng, tổ chức phi chính phủ thuộc nhiều nước trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế khác như: Đại học tổng hợp Portland, Mỹ; Trường Công vụ Singapore; Trường Quản lý nhà nước Kennedy, Trường Hành chính công Maxwell Mỹ; Học viện Quản lý nhà nước trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga; Học viện Quản lý nhà nước trực thuộc Tổng thống Belarus; Viện Nghiên cứu xã hội quốc tế Hà Lan; Viện đào tạo quan chức Trung ương Hàn Quốc, v.v.. Các Học viện trực thuộc đã có nhiều đối tác quốc tế hợp tác trực tiếp trên lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hình thức và nội dung hợp tác quốc tế cũng đa dạng và ngày càng phong phú hơn.
Đoàn Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thăm và làm việc tại Trường Hành chính quốc gia Pháp năm 2017
Số lượng các đoàn, lượt cán bộ đi nghiên cứu, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, hội thảo khoa học và học tập ở nước ngoài của Học viện cũng như số lượng khách nước ngoài vào thăm, làm việc và tham dự hội thảo khoa học tại Học viện ngày càng tăng. Những kiến thức thu được từ các chuyến đi nghiên cứu ở nước ngoài hoặc các cuộc tiếp xúc, làm việc, trao đổi kinh nghiệm, hội thảo khoa học với các đối tác quốc tế đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghiên cứu, giảng dạy cũng như kinh nghiệm quản lý, phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản lý ở Học viện. Giai đoạn từ năm 2014 đến nay, toàn hệ thống Học viện đã tổ chức được gần 200 đoàn cán bộ đi công tác, nghiên cứu ở nước ngoài với khoảng gần 1.500 lượt người và đón gần 300 đoàn của nước ngoài và các tổ chức quốc tế vào thăm, làm việc và hội thảo với khoảng hơn 1.000 lượt người. Cụ thể các năm như sau:
- Năm học 2013-2014, toàn hệ thống Học viện đã tổ chức được 30 đoàn ra với 296 lượt người và đón 25 đoàn vào với 123 lượt người.
- Năm học 2014-2015, toàn hệ thống Học viện đã tổ chức được 47 đoàn ra (231 lượt người) và 36 đoàn vào (169 lượt người), trong đó Học viện Trung tâm là 18 đoàn ra với 86 lượt người, đón 13 đoàn vào với 72 lượt người.
- Năm học 2015-2016, toàn hệ thống Học viện đã tổ chức được 28 đoàn ra (175 lượt người) và 47 đoàn vào (165 lượt người), trong đó Học viện Trung tâm là 12 đoàn ra với 85 lượt người và đón 21 đoàn vào với 36 lượt người.
- Năm 2017, Học viện đã tổ chức được 42 đoàn ra (288 lượt người) (Trong đó Học viện Trung tâm tổ chức được 22 đoàn); đón 112 đoàn vào (343 lượt người) (Trong đó Học viện Trung tâm đón 78 đoàn)
- Năm 2018, Học viện đã tổ chức được 45 đoàn ra với 363 lượt người và tổ chức đón 71 đoàn vào với 271 lượt người.
- Năm 2019, Học viện dự kiến tổ chức 53 đoàn ra và đón 112 đoàn vào.
2. Góp phần phục vụ công tác đào tạo cán bộ của Học viện và cán bộ lãnh đạo quản lý
Hoạt động hợp tác quốc tế ở Học viện đã góp phần quan trọng vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Học viện và cán bộ lãnh đạo quản lý của các Bộ, Ban, ngành Trung ương và các địa phương, thông qua tuyển cử và quản lý hàng chục người đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài. Với sự tài trợ của các đối tác mới, đã có thêm nhiều cán bộ của Học viện được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở các cơ quan khoa học và đào tạo thuộc nhiều nước khác nhau như Australia, Thuỵ Điển, Anh, Mỹ...
Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đã xây dựng và triển khai Đề án đưa giảng viên và nghiên cứu sinh đi thực tập tại Cộng hoà Áo; Đề án bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí nước CHDCND Lào nhằm nâng cao nhận thức lý luận và kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo báo chí trung ương và địa phương của Lào.
Giáo sư Trường Chính sách công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Australia trao đổi về lãnh đạo khu vực công trong khuôn khổ chương trình ngoại khóa thí điểm cho lớp A1 - lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung tại Học viện (tháng 4/2019)
1.3. Góp phần đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy
Hoạt động hợp tác quốc tế đã góp phần tích cực vào việc đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy của Học viện.
Về đổi mới nội dung, chương trình: Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, Học viện đã học tập kinh nghiệm của nước ngoài, nhất là của Trung Quốc, xây dựng chương trình giảng dạy theo các chuyên đề chứ không hoàn toàn theo các môn học như trước đây. Các Học viện trực thuộc hiện nay về cơ bản cũng giảng dạy theo chương trình này của Học viện.
Học viện đã xây dựng nhiều môn học mới được đưa vào giảng dạy như Chính trị học so sánh, Chính sách công, Triết học Đông - Tây, Xã hội học lãnh đạo và quản lý, Dân số và phát triển, Quyền con người, Giới và phát triển. Đặc biệt, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã hoàn thành xây dựng Đề án liên kết đào tạo Thạc sĩ Báo chí với Đại học Tổng hợp Công nghệ Sydney (Australia); Liên kết đào tạo với Đại học Viên (Áo); Chương trình đào tạo quốc tế hợp tác với Đại học Middlesex (Vương quốc Anh) tại Việt Nam, cấp bằng Cử nhân cho sinh viên; Đề án Nâng cao năng lực đào tạo báo chí và truyền thông của Học viện Báo chí và Tuyên truyền với sự hợp tác hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc.
Bên cạnh việc đổi mới nội dung chương trình, Học viện cũng tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Các dự án do Australia và Viện FES (CHLB Đức) tài trợ đã giúp đào tạo cho Học viện được một đội ngũ giảng viên để giảng về Phương pháp giảng dạy tích cực. Dự án của JICA Nhật Bản giúp Học viện mở các lớp bồi dưỡng về công tác quản lý giáo dục, đào tạo (TOT) cho giảng viên thuộc hệ thống Học viện và các trường Chính trị tỉnh, thành.
1.4. Góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học
Trong 5 năm (2014-2019), Học viện đã tổ chức thành công hàng chục hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế ở Trung tâm Học viện cũng như các Học viện trực thuộc, có sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học quốc tế như Lào, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore; các nhà khoa học của Viện Hàn lâm khoa học Nga; các nhà khoa học từ các nước Anh, Mỹ, Canada, Mêhicô, Hà Lan, Nhật Bản, Australia, Đức, Hy Lạp… Đồng thời cũng cử cán bộ đi tham dự các Hội thảo quốc tế tại Liên bang Nga, Trung Quốc, Lào, Hoa Kỳ, Australia, CuBa, Venezuela, v.v..
Học viện đã tổ chức nhiều tọa đàm, thông tin khoa học quốc tế nhân việc đón các chuyên gia quốc tế đến giảng cho các lớp dự nguồn cán bộ cao cấp như: Tọa đàm với Viện ISS (Hà Lan) về “Quản trị tài nguyên nước ở Hà Lan – Những bài học và gợi ý cho các nước đang phát triển”; Tọa đàm với Hiệp hội nghiên cứu chính quyền địa phương (Hàn Quốc) về “Đổi mới và hợp tác toàn cầu về chính quyền địa phương”; Tọa đàm quốc tế phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam về “Hoạch định và triển khai chính sách công cấp trung ương và địa phương”; Tọa đàm với chuyên gia Nhật Bản về “Chế độ công vụ” tổ chức tại Học viện khu vực 2; Tọa đàm với chuyên gia Hàn Quốc về “Cải cách pháp luật Hàn Quốc” tổ chức tại Học viện khu vực 3; Phối hợp với Trung tâm Phụ nữ trong chính trị và hành chính công tổ chức tọa đàm với các chuyên gia Mỹ về “Minh bạch trong bầu cử”; Tọa đàm khoa học với chuyên gia Hàn Quốc về “Cải cách pháp luật và cải cách trong khu vực công của Hàn Quốc”; Tọa đàm khoa học với Giáo sư Canada về “Chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI và phong trào cánh Tả ở các nước Mỹ-Latinh”.
Riêng trong năm học 2015-2016, tại Học viện Trung tâm đã tổ chức gần 10 cuộc toạ đàm, hội thảo, trong đó nhiều chủ đề có tính thời sự cao, có thể kể ra như: “Thành tựu nhân quyền Việt Nam 70 năm qua”; “Một số lĩnh vực trong mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ”; “Hợp tác phát triển Việt Nam – Asean - Ấn Độ; Thực trạng và triển vọng”; “Diễn đàn chính sách về xây dựng nông thông mới”; “ODA dành cho Việt Nam: tầm nhìn của JICA, những thách thức hiện tại, triển vọng trong tương lai”; “Cải cách công vụ ở Vương quốc Anh và kinh nghiệm đối với Việt Nam”...
Học viện cử cán bộ tham các hội thảo khoa học và diễn đàn quốc tế như Diễn đàn Saemaul Undong toàn cầu năm 2015 tại Hàn Quốc; Hội thảo “Việt Nam 70 năm nền độc lập”; Hội thảo “Phát triển năng lực cho sự chuyển đổi” tại Đại học quốc gia Mông Cổ; Hội thảo “Xây dựng lộ trình mới cho ngân sách thay đổi về bình đẳng giới: Tọa đàm với các Bộ trưởng tài chính” tại Băng – Cốc, Thái Lan; Diễn đàn quốc tế: “Hòa bình và Thịnh vượng: Trật tự mới ở Châu Á và Lãnh đạo hợp tác” tại Jeju, Hàn Quốc...
Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong năm học qua cũng đã hợp tác với Viện Triết học – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội đồng nghiên cứu Giá trị và Triết học – Đại học Catholic Hoa Kỳ tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Giáo dục giá trị trong bối cảnh hội nhập”. Hội thảo là cơ hội để các đại biểu, các nhà khoa học và học giả chia sẻ kiến thức và đưa ra ý kiến đóng góp về giáo dục giá trị nói chung cũng như giáo dục giá trị trong thời kỳ hội nhập nói riêng.
Trong năm 2017, Học viện đã tổ chức các cuộc toạ đàm, trao đổi học thuật, hội thảo quốc tế với sự tham gia của các chuyên gia, học giả đến từ Pháp, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc... và cán bộ công chức, viên chức tại Học viện.
Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Lào, Học viện chủ trì và phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Lào và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Lào cùng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “55 năm quan hệ hữu nghị, đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào” tại Việt Nam; tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Tư tưởng Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam, tư tưởng Kay Xỏn Phôm Vi Hản với cách mạng Lào” tại Lào.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ, Học viện đã phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ cùng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “Việt Nam - Ấn Độ: 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược”. Đồng thời, Học viện phối hợp với Đại học Công nghệ Nanyang, Singaporre tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Cải cách quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng: kinh nghiệm của Singapore và gợi ý đối với Việt Nam”.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga, Học viện đã tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế “100 năm Cách mạng tháng 10 Nga và chủ nghĩa xã hội hiện thực (1917-2017)” có sự tham gia của các học giả đến từ Liên bang Nga, Lào, Trung Quốc và các đại biểu đến từ các đại sứ quán Liên bang Nga, Lào, Trung Quốc, Cu Ba, Thụy Điển, Venezuela. Ngoài ra, Đại sứ quán Venezuela phối hợp với Học viện cùng tổ chức Hội thảo kỷ niệm 62 năm Hội nghị Bandung, đến dự có hơn 30 đại sứ đến từ các quốc gia châu Á, châu Phi, là các quốc gia thành viên của Phong trào không liên kết; Học viện cũng phối hợp với Đại sứ quán Nam Phi và một số Đại sứ quán Châu Phi tổ chức hoạt động về ngày Châu Phi.
Trong năm 2018, Vụ Hợp tác quốc tế đã tham mưu Ban Giám đốc Học viện và phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức 12 Hội thảo khoa học quốc tế như: Hội thảo kỷ niệm 170 năm ngày ra đời tác phẩm “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”; Hội thảo kỷ niệm 200 năm ngày sinh C. Mác; Hội thảo về hệ thống chính trị ở Việt Nam và Lào; Hội thảo với Đại sứ quán Trung Quốc về công tác xây dựng Đảng; Hội thảo với Đại sứ quán Nhật Bản về quan hệ Việt Nam – Nhật Bản nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản; Hội thảo với Đại sứ quán Pháp về vấn đề cải cách hành chính công; Hội thảo với Đại sứ quán Ấn Độ về vấn đề kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh mới v.v.. với sự tham gia của 134 lượt các học giả quốc tế đến từ Đức, Nhật, Nga, Lào, Trung Quốc, Ấn Độ, Thụy Điển, Cu ba… và 990 lượt các nhà khoa học và đại biểu trong nước; Tổ chức hàng chục cuộc Tọa đàm khoa học quốc tế và Thông tin chuyên đề do các học giả và đại sứ đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Na uy, Phần Lan, Israel, Thái Lan, Hàn Quốc, Azecbaizan... thuyết trình
Ông Bodo Ramelow, Thủ hiến bang Thuringen, Cộng hòa Liên bang Đức báo cáo Tọa đàm tại Học viện về chủ đề “Vai trò của Đảng cánh tả trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế, xã hội và môi trường thực tế tại bang Thuringen của Cộng hòa Liên bang Đức”
Học viện đã và đang thực hiện nhiều dự án nghiên cứu hợp tác quốc tế, phục vụ thiết thực cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học ở Học viện.
Hoàn thành hai Dự án “Nâng cao năng lực của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức” hợp tác với JICA Nhật Bản và KOICA Hàn Quốc; Dự án nghiên cứu chung với Hàn Quốc “Chương trình xây dựng nông thôn mới của Việt Nam – Nhìn từ phong trào Saemaul Undong của Hàn Quốc”, thực hiện cuối năm 2014, đầu năm 2015; Dự án phối hợp nghiên cứu với Hàn Quốc “Chương trình đối tác trao đổi kinh nghiệm phát triển (DEEP) vì tầm nhìn Việt Nam” giai đoạn 2015-2017; Dự án “Biên dịch các tác phẩm kinh điển Mác-Ăngghen từ tiếng Việt sang tiếng Lào”; và hiện nay đang thực hiện Dự án “Biên dịch Hồ Chí Minh Toàn tập từ tiếng Việt sang tiếng Lào”, hợp tác với Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào nghiên cứu đề tài “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam và Lào”.
Trong khuôn khổ các dự án nói trên, Học viện Trung tâm đã đón nhiều lượt chuyên gia, học giả, đại sứ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Canada… sang giảng dạy cho Lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp và tổ chức các đoàn cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài. Điểm đến ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc, đã có thêm những quốc gia mới như Anh, Singapore, Israel… Tổng số đoàn đi theo dạng này là 11 đoàn (khoảng 210 lượt người). Với vai trò là đầu mối tổ chức, Vụ Hợp tác quốc tế đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ có liên quan, bao gồm phối hợp chặt chẽ với đối tác để lên chương trình học tại nước bạn, tham mưu lập danh sách thành viên tham gia đoàn, các công việc lễ tân, đón, tiễn. Với sự nỗ lực của các bên, các khoá học đều đã diễn ra thành công tốt đẹp, kết quả cụ thể được phản ánh trong Báo cáo của các thành viên đoàn sau khi về nước.
Vụ Hợp tác quốc tế đã tham mưu Ban Giám đốc Học viện cũng như trực tiếp tham gia vào việc quản lý tốt các dự án khoa học trong Học viện có liên quan đến các đối tác quốc tế như “Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” hợp tác với Ủy ban Nhân quyền Australia; “Dự án tập huấn lồng ghép phương pháp nội dung và kết quả chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam vào bài giảng cho đội ngũ giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh” hợp tác với Cơ quan phát triển Bỉ (BTC) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Dự án “Chương trình đối tác chia sẻ kinh nghiệm phát triển (DEEP) vì Tầm nhìn Việt Nam” và thực hiện giai đoạn tiền Dự án “Xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả Chính phủ” hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) …
Qua việc tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế và thực hiện các dự án, nhiều cán bộ khoa học, giảng viên đã có điều kiện đi nghiên cứu ở nước ngoài hoặc xuống cơ sở để điều tra khảo sát, tổng kết thực tiễn, rút ra được những kết luận bổ ích, phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu và giảng dạy ở Học viện. Trình độ và năng lực nghiên cứu khoa học của cán bộ Học viện được nâng lên qua các dự án về nâng cao năng lực giảng dạy kinh tế, dự án về dân chủ và dự án về giới. Đồng thời, phương pháp nghiên cứu khoa học cũng được nâng lên. Đặc biệt, thông qua các hội nghị, hội thảo, kỹ năng tổ chức hội thảo của cán bộ Học viện, nhất là các cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế được nâng lên đáng kể.
1.5. Góp phần phục vụ công tác đào tạo cán bộ cho các Đảng Bạn, nước Bạn
Hiện nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đang đào tạo, bồi dưỡng học viên quốc tế gồm các hệ: Đại học 4 năm, đại học 2 năm (bằng 2), cao học, nghiên cứu sinh, cao cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng ngắn hạn chuyên ngành, cập nhật kiến thức cho cán bộ cao cấp, bồi dưỡng giảng viên các trường chính trị. Mỗi năm, toàn hệ thống Học viện tiếp nhận đào tạo, bồi dưỡng khoảng trên 300 học viên của Lào. Riêng tại Trung tâm Học viện, mỗi năm tiếp nhận đào tạo, bồi dưỡng các hệ khoảng hơn 100 cán bộ của Lào, trong đó có nhiều đồng chí là cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước Lào. Đặc biệt, có 02 học viên nghiên cứu sinh là cán bộ của Đảng Nhân dân Campuchia.
Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2014-2019, tại hệ thống Học viện, đến nay đã có 1.117 học viên Lào tốt nghiệp về nước. Hiện nay có 257 học viên đang có mặt học tập, nghiên cứu và trong năm 2019 dự kiến sẽ đón 113 học viên.
Thực hiện nhiệm vụ đặc biệt do Trung ương Đảng giao, Học viện cũng đã tổ chức được 02 lớp bồi dưỡng 3 tháng cho cán bộ của Đảng FRELIMO (Mô-dăm-bich). Lớp thứ nhất gồm 19 học viên năm 2010 và lớp thứ hai gồm 20 học viên năm 2016.
Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cập nhật đến năm 2019
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
Trụ sở: 135 Nguyễn Phong Sắc - Nghĩa Tân –
- Cầu Giấy – Hà Nội
Giấy phép xuất bản số: 99/GP-TTDT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/09/2008
Tổng biên tập: PGS, TS. Dương Trung Ý
Email:
Điện thoại:
Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (www.hcma.vn)" khi phát hành lại thông tin từ Website này