Thời gian trôi qua thật nhanh, mới ngày nào gắn bó suốt hai năm học Cao học, nay tôi lại được trở lại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để tham gia lớp Hoàn chỉnh Cao cấp lý luận chính trị. Và lần nào cũng vậy, khi chúng tôi bước qua cổng Học viện, không ai không có cảm giác như Bác đang dõi theo từng bước đi của chúng tôi trên con đường học tập. Kính cẩn nghiêng mình trước vị cha già dân tộc – Người học trò xuất sắc của các nhà kinh điển Chủ nghĩa Mác – Lênin. Tượng Bác Hồ ngồi nghiêm trang, nét mặt suy tư nghiên cứu từng trang sách lý luận. Thấm thoắt gần ba tháng thực học, khi tiếng ve gọi hè về chúng tôi lại thấy ngậm ngùi vì chuẩn bị kết thúc khóa học, xa mái trường thân yêu.
Lớp Hoàn chỉnh Cao cấp lý luận chính trị C04. K67 chúng tôi rất đặc biệt, vì sĩ số đông nhất trong 5 lớp của khóa học 2016 - 2017 với tổng số 163 học viên, hiện đang là cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức và dự nguồn các cơ quan, ban, ngành của Đảng, Nhà nước và một số cán bộ, giảng viên các trường chính trị. Đối tượng học viên tốt nghiệp thạc sỹ và tiến sĩ tại Học viện thuộc khối II, gồm các chuyên ngành: Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tôn giáo học, Văn hóa học, Xã hội học, Mỹ học, Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật, Pháp luật về Quyền con người, Quan hệ công chúng, Báo chí, Xuất bản. Chương trình đào tạo với khối lượng kiến thức khoa học và phù hợp với đối tượng học viên, gồm các môn học như: Kinh tế chính trị, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, Giáo dục quốc phòng – an ninh, Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về một số lĩnh vực chủ yếu của đời sống xã hội, Quản lý kinh tế, Quan hệ quốc tế, Chính trị học, Khoa học lãnh đạo quản lý.
Trong giai đoạn hiện nay, công tác bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý là công việc rất quan trọng. Tôi còn nhớ như in bài phát biểu khai giảng của PGS, TS Lê Quốc Lý – Phó Giám đốc Học viện đã khẳng định tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cho Đảng và Nhà nước. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập và rèn luyện lý luận chính trị đối với mỗi đồng chí học viên và yêu cầu tất cả học viên của khóa học phải ý thức sâu sắc về trách nhiệm và niềm vinh dự được tu nghiệp dưới mái trường Đảng mang tên Bác, thực hiện nghiêm mọi quy chế, quy định của Học viện; có ý thức tự bồi dưỡng tri thức lý luận và nghiệp vụ lãnh đạo, quản lý, phong cách, văn hóa chính trị của người cán bộ trong thời kỳ mới.
Một góc Học viện
Được tham gia khóa học là vinh dự lớn đối với chúng tôi. Ấn tượng để lại trong tôi đó là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đã đổi mới ở nhiều khâu, cả về cách thức quản lý học viên, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cách ra đề “mở”, chấm thi, viết tiểu luận cuối khóa… Có thể nói, đây là cách đổi mới đồng bộ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ không chỉ đối với các lớp Hoàn chỉnh Cao cấp lý luận nói riêng mà cả trong hệ thống đào tạo, bồi dưỡng của Học viện nói chung. Đầu tiên là cách quản lý học viên của Viện Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ngay từ đầu khóa học, mỗi học viên phân theo danh sách lớp được chia theo tổ, ngồi theo sơ đồ, vị trí, số ghế. Cán bộ lớp được phân bổ theo từng tổ, đặc biệt lớp trưởng ngồi ở vị trí thuận tiện để bao quát lớp và quản lý lớp. Mỗi lớp học được gắn camera giúp cho việc quản lý được tốt hơn. Ngay từ những buổi đầu lên lớp, cán bộ quản lý của Viện Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ điểm danh, theo dõi tình hình lên lớp của cả giảng viên và học viên. Công việc này nhằm giúp giảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm trước, trong và hết giờ lên lớp, đồng thời phát huy tối đa tính tự giác trong học tập, rèn luyện của học viên, thực hiện tốt phương châm “biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”. Qua đó, đã tạo môi trường học tập thoải mái, dân chủ, phát huy tính năng động, sáng tạo của người học; đồng thời, phát huy trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, của mỗi giảng viên khi đứng lớp phải toàn tâm, toàn ý đầu tư cho công tác giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp cho từng đối tượng, phải luôn đổi mới công tác quản lý, công tác kiểm tra đánh giá, đảm bảo thực hiện nghiêm quy chế quản lý đào tạo của Học viện. Bởi, quyết định nhất vẫn là ý thức học tập nghiêm túc, tinh thần cầu tiến của học viên trong quá trình học tập, rèn luyện tại nhà trường, học không nhằm điểm số, loại bằng mà để nâng cao kiến thức, năng lực thực tiễn sau khóa học, phục vụ cho công tác của bản thân. Để có kết quả thực chất thì phải học thực chất và thi thực chất. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng từ nhiều phía, cả người dạy, người quản lý và đối với từng học viên. Chính vì vậy, những đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện là nhằm thực hiện phương châm: học thực chất, thi thực chất và đánh giá kết quả cũng thực chất.
Để đạt được kết quả học thực chất, đòi hỏi mỗi học viên phải chấp hành đúng quy định, quy chế của Học viện, mà chủ thể quản lý trực tiếp là Viện Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Mỗi học viên nêu cao tinh thần tự quản, tự học, xác định cho mình động cơ học tập đúng đắn. Học không phải vì bằng cấp, mà mục đích của việc học là để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Theo đó, trong quá trình học, học viên nên đi học đầy đủ, đúng giờ, đầu tư nghiên cứu, lắng nghe nội dung bài giảng, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn cũng như công tác của bản thân. Có như vậy thì mới giúp cho việc thực học có hiệu quả, không chỉ hiểu vấn đề mà còn củng cố niềm tin chính trị, có suy nghĩ sáng tạo và hành động hiệu quả hơn trong học tập và công tác của bản thân mỗi người.
Nếu làm tốt khâu học thực chất, đây là điều kiện đủ để đảm bảo cho việc thi hết môn đạt kết quả cao. Bởi vì, trong quá trình học nếu học viên tham dự đầy đủ các buổi học thì sẽ nắm được những nội dung kiến thức lý luận cơ bản, cũng như kiến thức thực tiễn của giảng viên lên lớp truyền đạt, từ đó vận dụng vào từng vị trí việc làm của mỗi học viên. Ít nhiều đây là cơ sở để học viên chiếm lĩnh kiến thức cho mình từ đó vận dụng kiến thức đã học vào trong bài thi đạt kết quả cao nhất. Bản thân thấy rất đồng tình với việc đổi mới cách dạy, cách học và cách ra đề “mở” của Học viện đối với lớp Hoàn chỉnh Cao cấp lý luận chính trị. Bởi cách ra đề này không chỉ giúp học viên nắm được những kiến thức cơ bản, vận dụng những kiến thức mới, bổ sung vào bài thi, mà còn khơi dậy được sức sáng tạo của học viên. Trong quá trình làm bài, học viên có thể làm chủ kiến thức mình có được, đồng thời có thể viết ra được suy nghĩ, đưa ra được những giải pháp mới, cách làm hay giúp cho những nhà hoạch định chính sách có cơ sở xem xét, điều chỉnh và dự báo những vấn đề đã, đang và sẽ diễn ra trong thời gian tới. Thiết nghĩ, đổi mới ở khâu thi: từ việc ra đề trước giờ thi một tiếng, làm đáp án sau khi học viên bóc đề thi là quá trình tự đổi mới, giúp cho việc đánh giá kết quả thi một cách khách quan, công tâm.
Bản thân tôi nhận thấy việc đổi mới từ khâu quản lý học viên, học thực chất, thi thực chất giúp cho việc đánh giá quá trình học tập và rèn luyện khách quan hơn. Thực tế, việc đánh giá một bài thi, kiểm tra cần đảm bảo tính công tâm, công bằng, khách quan, không đưa tình cảm chủ quan vào thực hiện nhiệm vụ, đồng thời hạn chế tối đa những sai sót. Do vậy, người chấm ngoài những kinh nghiệm đã có còn phải đọc kỹ bài, rà sát đáp án, khi chấm bài không thiên vị, không chạy theo thành tích.…Để từ kết quả đánh giá, cả người Thầy và người học có điều kiện nhìn lại những hạn chế, thiếu sót của mình.
Kết quả đánh giá qua thi còn nhằm tạo sự thi đua phấn đấu của các học viên với nhau. Theo tâm lý của người học, nếu có thi, có chấm điểm thì ở đó có thi đua, xem xét khen thưởng. Đây là niềm vinh dự của mỗi học viên được đánh giá kết quả tốt nhất. Đạt được điều này không chỉ do điểm số mà dựa vào quá trình phấn đấu liên tục trong suốt khóa học của học viên. Thiết nghĩ, trong việc tổ chức cho khóa sau đề nghị Học viện phải sớm có kết quả của môn thi trước để học viên còn biết rút kinh nghiệm cho các môn thi sau đạt kết quả cao hơn.
Thiết nghĩ, bản thân là một giảng viên trẻ được cử đi học tập, rèn luyện dưới mái trường mang tên Bác và đang được giảng dạy, phục vụ ở một trường Đảng tỉnh có quy mô đào tạo, bồi dưỡng lớn nhất, có môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện; tôi thấy rất tin tưởng và tự hào về những đổi mới từ Học viện, bởi những đổi mới này có sức lan tỏa đến toàn hệ thống các trường trực thuộc Học viện trong đó có Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa.
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa nơi tôi hiện đang công tác là ngôi trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở của tỉnh nhà. Phát huy truyền thống 68 năm qua, nhà trường đã có nhiều đổi mới trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, từ đó tạo được sự chuyển biến rõ nét về kết quả học tập, ý thức tu dưỡng rèn luyện của học viên. Bước vào thời kỳ mới, sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có nhiều thời cơ, vận hội mới. Theo đó, nhà trường luôn xác định: lấy nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là trung tâm; đổi mới công tác quản lý là then chốt; đổi mới đánh giá kết quả học tập của học viên là khâu đột phá; xây dựng môi trường kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.
Và để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới, nhà trường đã đưa ra 5 định hướng đổi mới cơ bản đó là: Một là, đổi mới đồng bộ các khâu trong công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng; tích cực, chủ động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội nhằm chuẩn hóa và nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức các ngành, địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Chuyển mạnh từ dạy – học thụ động sang dạy – học chủ động; thực hiện tốt phương châm dạy – học: học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Giảng viên phải thực sự là nhà tổ chức, quản lý, định hướng quá trình học tập; học viên là chủ và làm chủ quá trình học tập; chủ động học tập, hoàn thiện kiến thức, kỹ năng theo chức danh và vị trí việc làm. Hai là, quyết tâm đổi mới phương pháp giảng dạy theo phương châm: dạy – học hiểu, dạy – học vận dụng và dạy – học xử trí. Ba là, chuyển mạnh từ đánh giá điểm số sang đánh giá quá trình học tập. Coi trọng đánh giá quá trình xây dựng kế hoạch, quản lý mục tiêu, thái độ và phương pháp học tập; lấy chất lượng sản phẩm tự học, tự nghiên cứu gắn với việc nâng cao nhận thức, kiến thức, phương pháp, kỹ năng công tác theo chức danh, vị trí việc làm là tiêu thức quan trọng để đánh giá kết quả học tập, rèn luyện. Bốn là, chuyển mạnh từ quản lý hành chính sang quản lý phục vụ và kiến tạo lấy “hiệu quả phục vụ, thành công của học viên, tín nhiệm của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh” làm mục tiêu phấn đấu. Chú trọng xây dựng tác phong quản lý khoa học, dân chủ và nêu gương; tăng cường trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, nhân viên hành chính. Đổi mới đánh giá cán bộ, giảng viên theo hướng lấy sự cống hiến, đóng góp, hiệu quả công việc làm tiêu chí theo nguyên tắc công bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Đổi mới công tác thi đua, tạo động lực cho cán bộ, viên chức phấn đấu, rèn luyện. Năm là, tăng cường cập nhật kiến thức mới, đẩy mạnh toàn diện hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
Những đổi mới ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay đã khẳng định, đây là xu hướng đổi mới tất yếu bắt đầu từ Học viện trong công tác giáo dục lý luận chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, góp phần vào sự phát triển năng động của khu vực Bắc Trung Bộ và là bài học kinh nghiệm vận dụng của toàn hệ thống.
Bản thân là cán bộ, giảng viên nhà trường, trực tiếp làm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nên, trong thực hiện nhiệm vụ phải luôn chủ động, sáng tạo, tích cực nghiên cứu tốt, giảng dạy tốt và phục vụ tốt. Luôn bám sát và quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy gắn với thực tiễn địa phương; cập nhật kiến thức mới và đổi mới phương pháp giảng dạy; có bản lĩnh chính trị vững vàng, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng nhà trường trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý kiểu mẫu vào năm 2019 và góp phần xây dựng quê hương Thanh Hóa trở thành tỉnh tiên tiến, kiểu mẫu vào năm 2020 như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn./.
Tác giả: Nguyễn Thị Phương, Khoa Lý luận Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
Trụ sở: 135 Nguyễn Phong Sắc - Nghĩa Tân –
- Cầu Giấy – Hà Nội
Giấy phép xuất bản số: 99/GP-TTDT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/09/2008
Tổng biên tập: PGS, TS. Dương Trung Ý
Email:
Điện thoại:
Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (www.hcma.vn)" khi phát hành lại thông tin từ Website này