Tháng 4-1976 sau khi tốt nghiệp lớp nghiên cứu sinh kinh tế chính trị khóa 3, tôi được về công tác ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Cuối năm 1976, tôi được bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng ủy nhà trường, trực tiếp làm Bí thư Đoàn trường, trực thuộc thành Đoàn Hà Nội. Hè năm 1977, Đoàn trường tổ chức cho các cháu thiếu niên của Học viện ở khu tập thể và một số ở Hà Nội đi nghỉ tại Đồ Sơn - Hải Phòng. Đoàn cử hơn 10 đồng chí đi để quản lý các cháu. Số lượng gần 80 cháu cả trai và gái, bố mẹ giao các cháu cho Đoàn quản lý. Tôi phụ trách chung. Đây là công việc khó khăn, vì các cháu trẻ tuổi, nên ý thức chưa cao phải bố trí mỗi cán bộ quản lý một số cháu. Thế nhưng vẫn xảy ra sự cố. Đó là một cháu ốm, một cháu thất lạc hơn một tiếng đồng hồ. Tôi và anh chị em thanh niên trong đoàn rất lo lắng. Song mọi việc cũng trôi chảy, trở về an toàn. Các cháu thiếu niên ngày đó nay đã trưởng thành một số cháu là tiến sĩ, thạc sĩ, công tác ở Học viện và một số cơ quan của Đảng và Nhà nước. Họ luôn nhớ đến các anh, chị phụ trách hồi đó. Đây cũng là một kỷ niệm và bài học sâu sắc về tổ chức, quản lý thời còn trai trẻ của tôi. Có một kỷ niệm nữa. Đó là vào năm 1988, lần đầu tiên Trường Đảng tổ chức lựa chọn để bổ nhiệm Phó Giám đốc phụ trách hành chính - hậu cần bằng phương pháp trình bày phương án của mình. Nhà trường chọn hai ứng cử viên trình bày phương án trước Hội nghị cán bộ chủ chốt gồm: Ban Giám đốc; Ban Chấp hành Đảng ủy; Ban Chấp hành Công đoàn; Bí thư, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; trưởng phó các đơn vị trong Học viện, giảng viên cao cấp... Số lượng trên 200 người. Tôi và đồng chí Trần Văn Chử được cử làm ứng viên lựa chọn trình bày. Lúc đó tôi là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; đồng chí Chử là Chủ tịch Công đoàn, là lãnh đạo Khoa Kinh tế và phát triển. Tôi rất lo lắng, hồi hộp, sau khi chúng tôi trình bày xong, các đại biểu chất vấn từng người, trả lời xong bỏ phiếu tín nhiệm. Thật đáng mừng tôi có số phiếu cao hơn đồng chí Trần Văn Chử. Do đó, năm 1989 tôi được Ban Bí thư bổ nhiệm làm Phó Giám đốc trường. Quá trình công tác tôi phải học tập và cố gắng nhiều mới hoàn thành được nhiệm vụ được giao.
Khi làm Phó Giám đốc phụ trách khối Hành chính - Hậu cần, trong buổi tổng kết cuối năm của Hội đồng nhà trường, Ban Giám đốc nhất trí chỉ bồi dưỡng mỗi đồng chí 50.000₫. Khi phát tiền, đồng chí Đặng Kim Thành - Trưởng khoa Lịch sử Đảng nêu vấn đề: “Chúng ta tổng kết nghĩa là chúng ta làm việc nên không cần thiết phải chi tiền, nếu có chỉ tiên, thì tiên này lấy ở đâu cần minh bạch". Đây cũng là một bài học đối với tôi trong chỉ đạo chi tiêu thật chặt chẽ về các hội nghị sau này. Những hình ảnh của cán bộ nhân viên trong khối đã để lại trong tôi một tình cảm thật đẹp đẽ và sâu sắc không sao quên được. Nhiều chị em nhà ăn tận tình với học viên phục vụ ăn uống, bê bát cháo lên tận giường ngủ khi học viên bị bệnh. Có đồng chí khi về địa phương biên thư cảm ơn nhà trường và các chị em phục vụ. Các đồng chí làm việc ở các đơn vị như: hành chính, quản trị, hậu cần, tài vụ, y tế, nhà ăn, bảo vệ, xe máy, dịch vụ, căng tin, phòng khách v.v..., dù ở trung tâm Học viện hay ở cơ sở Đống Đa, Sài Đồng, Quốc Tử Giám, họ đều làm việc thật tận tâm, đầy trách nhiệm với cử chỉ cao đẹp của những nhân viên Trường Đảng mang tên Bác Hồ kính yêu. Hiện nay một số đồng chí không còn nữa, nhưng họ vẫn luôn luôn là tấm gương đáng kính cho con cháu.
35 năm học tập, làm việc và rèn luyện ở Trường Đảng và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã để lại trong tôi một tình cảm đẹp đẽ, trong sáng và sâu sắc cho đến cuối đời, vì Trường Đảng (nay là Học viện) là nơi giáo dục rèn luyện đội ngũ cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Cho nên đội ngũ cán bộ của trường phải là những tấm gương sáng về trình độ kiến thức và phẩm chất đạo đức, lối sống, có như thế mới đi huấn luyện người khác được. Môi trường của Học viện thật đẹp đẽ và trong sáng tình người, tình đồng chí về tinh thần đoàn kết thương yêu, giúp đỡ nhau, tính Đảng và tính kỷ luật thật cao cả. Mỗi con người ở nơi đây nối tiếp qua các thế hệ đều là những tấm gương đáng tự hào với xã hội và con cháu.
Tác giả: TS Nguyễn Văn Sáu
Trích tập thơ: Trường Đảng, Tình yêu - Cuộc đời, Câu Lạc bộ thơ - văn Hội Cựu Giáo chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2019
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
Trụ sở: 135 Nguyễn Phong Sắc - Nghĩa Tân –
- Cầu Giấy – Hà Nội
Giấy phép xuất bản số: 99/GP-TTDT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/09/2008
Tổng biên tập: PGS, TS. Dương Trung Ý
Email:
Điện thoại:
Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (www.hcma.vn)" khi phát hành lại thông tin từ Website này