Trong những năm qua, Công đoàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tăng cường công tác xây dựng tổ chức và lãnh đạo phong trào công chức, viên chức, người lao động đã có bước tiến về thống nhất tổ chức bộ máy; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện và hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
1.Về tổ chức, số lượng đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động: Tháng 7-2014, thực hiện Quyết định số 141/QĐCĐVC ngày 7-7-2014 của Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam về việc chuyển giao Công đoàn cơ sở Học viện Hành chính về trực thuộc Công đoàn Bộ Nội vụ, Công đoàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có 36 công đoàn trực thuộc; trong đó có 5 công đoàn cơ sở ở các Học viện trực thuộc và 31 công đoàn trực thuộc tại các vụ, viện, đơn vị ở Trung tâm Học viện, với 2.146 công đoàn viên.
Hiện nay, Công đoàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có 33 công đoàn trực thuộc: Trong đó có 7 công đoàn cơ sở, 26 công đoàn bộ phận ở các đơn vị trực thuộc. Tổng số công chức, viên chức, lao động: 2.182 (trong đó nữ: 1.075 - chiếm 49,22%), gồm 9 giáo sư, 187 phó giáo sư, 614 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, 877 thạc sĩ, 420 cử nhân, 20 cao đẳng, 66 trung cấp và 172 trình độ khác.
2. Trong 5 năm qua (2014-2019), Công đoàn Học viện chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, nhằm xây dựng đội ngũ những người lao động có lòng yêu nước, có đạo đức tốt, có kỷ luật, đổi mới tư duy trong quản lý, tích cực nghiên cứu nâng cao năng lực, trình độ, gắn bó với cơ quan, đơn vị. Tuyên truyền, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng và giám sát thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia tích cực vào các hoạt động học tập, quán triệt và hưởng ứng chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Đây là các hoạt động thiết thực động viên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Học viện phát huy truyền thống vẻ vang, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, tích cực lao động trên mỗi vị trí việc làm và cương vị công tác, góp phần quan trọng vào sự phát triển của tổ chức Công đoàn và đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Học viện.
Đồng chí Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Học viện chụp ảnh cùng 3 công đoàn viên Học viện được Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam tuyên dương cán bộ công đoàn tiêu biểu
3. Công tác đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được chú trọng. Các cấp công đoàn luôn phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo chuyên môn trong việc xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tích cực động viên công đoàn viên hăng hái phấn đấu thực hiện mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Công đoàn tham gia ý kiến cùng cấp ủy, lãnh đạo chuyên môn trong sắp xếp tổ chức, bố trí lao động hợp lý, phù hợp với năng lực chuyên môn và hoàn cảnh, phát huy sở trường, cống hiến và hưởng thụ.
Chủ động tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, giám sát thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ ở các đơn vị góp phần đảm bảo các định mức theo quy định; phổ biến đầy đủ, rộng rãi và thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch các chế độ, chính sách.
Hàng năm, Công đoàn tham gia có chất lượng vào các đoàn công tác kiểm tra thi đua của các đơn vị; tham gia các hội đồng xét nâng lương, kỷ luật cán bộ, công chức; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... Việc tham gia của tổ chức Công đoàn đã góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan.
Công đoàn Học viện đã chỉ đạo các công đoàn trực thuộc phối hợp với lãnh đạo chuyên môn tổ chức hội nghị cán bộ, công chức và thực hiện dân chủ, công khai, công bằng trong các đơn vị. Hàng năm, 100% các đơn vị trực thuộc đã tổ chức hội nghị cán bộ, công chức và báo cáo kết quả về Công đoàn Học viện. Thông qua hội nghị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã phát huy được quyền làm chủ, tham gia đóng góp vào nhiệm vụ công tác của cơ quan, đơn vị. Qua đó, các chế độ, chính sách đối với người lao động được thực hiện tốt hơn, góp phần vào thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Các cấp công đoàn luôn quan tâm, chăm lo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tổ chức tốt các hoạt động mừng sinh nhật đoàn viên, việc hiếu, hỉ, thăm hỏi, động viên kịp thời các gia đình và đoàn viên lúc ốm đau, gặp khó khăn, động viên, khuyến khích con cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đạt thành tích cao trong học tập... Tiêu biểu là lễ tuyên dương và phát phần thưởng cho các cháu đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp của Công đoàn Học viện và các đơn vị trực thuộc, tặng quà cho các cháu thiếu nhi là con đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhân dịp Tết Thiếu nhi 1/6, nhân dịp Tết Trung thu....
Các hoạt động tặng quà Tết cho cán bộ, đoàn viên công đoàn; thực hiện chu đáo công tác thăm hỏi, trợ cấp khó khăn, việc hiếu tại các đơn vị; tổ chức tốt các kỳ nghỉ dưỡng vào dịp hè cho cán bộ, đoàn viên; tổ chức các câu lạc bộ thể thao để rèn luyện sức khỏe như: bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, tennis, lớp học khiêu vũ...; tổ chức các hoạt động văn nghệ nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn...
4. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, hưởng ứng và thực hiện các hoạt động xã hội. Công đoàn các đơn vị đã lựa chọn và cụ thể hoá các phong trào thi đua thành những nội dung cụ thể, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
Hưởng ứng chủ trương đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, học tập của Ban Giám đốc, Công đoàn Học viện chỉ đạo tổ chức công đoàn các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy phát động thi đua đổi mới nội dung giảng dạy và sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong quá trình lên lớp; các đơn vị quản lý đào tạo tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh những sai sót ở từng khâu trong quá trình đào tạo.
Phong trào thi đua được tổ chức nền nếp từ khâu phát động, đăng ký, kiểm tra đánh giá đến tổng kết khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến, chú trọng cả về số lượng và chất lượng. Mỗi danh hiệu thi đua đều có tiêu chí đánh giá cho điểm cụ thể và gắn với các quyền lợi của người lao động như: nâng lương trước thời hạn, nâng ngạch, nâng bậc lương...
Phong trào thi đua luôn được quan tâm chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả tốt, trở thành động lực thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và của Học viện.
Trong bối cảnh tình hình ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt xảy ra liên tục, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng gây thiệt hại nặng nề ở một số địa phương, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Công đoàn Học viện đã phát huy truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, Công đoàn Học viện đã vận động đoàn viên đóng góp ủng hộ Quỹ vì người nghèo; Quỹ đền ơn đáp nghĩa; ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng của thiên tai; phụng dưỡng các mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng năm tổ chức thăm và tặng quà nhân dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 và Tết; vận động đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực tham gia hiến máu tình nguyện hàng năm...
5. Công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh được chú trọng. Ban Chấp hành Công đoàn Học viện đã có đóng góp quan trọng vào việc kết nối hệ thống và đã có những thành tích nổi bật trong thời gian qua. Các cấp công đoàn chú trọng việc củng cố, kiện toàn tổ chức và phát triển đoàn viên, phù hợp với sự phát triển của Học viện. Trong 5 năm qua, Công đoàn Học viện đã thành lập mới được 9 công đoàn trực thuộc; kết nạp mới 328 đoàn viên.
Thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy của Công đoàn Học viện theo Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 8-8-2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Công đoàn Học viện đã chỉ đạo công đoàn các đơn vị có sự thay đổi, sát nhập về tổ chức bộ máy tiến hành kiện toàn Ban Chấp hành Công đoàn.
PGS,TS Nguyễn Duy Bắc phát biểu khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Công đoàn năm 2019
Hàng năm, Công đoàn Học viện tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác công đoàn cho cán bộ công đoàn, về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ... Qua đó, nâng cao kỹ năng hoạt động của cán bộ công đoàn; tính chủ động của công đoàn các đơn vị được nâng cao, hoạt động năng động và phong phú theo hướng thực chất; giảm tính hành chính, hình thức.
Công đoàn vận động đoàn viên tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
6. Trong những năm qua, công tác nữ công được đẩy mạnh. Công đoàn duy trì phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Ban Nữ công đã kết hợp với Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động nữ công. Trong đó, nổi bất nhất là hoạt động tổ chức tập huấn, hội thảo về giới (mỗi năm 1-2 lớp tập huấn và 2 hội thảo về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ). Các hội thảo “Vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển của Học viện”; “Văn hóa ứng xử của cán bộ nữ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh” góp phần nâng cao nhận thức giới, vai trò, trách nhiệm của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới.
Công đoàn viên đã tích cực tham gia và tổ chức thành công các hội thi, hội thảo: Hội thi Giảng viên giảng dạy giỏi, Hội diễn Văn nghệ, Giải thể thao chào mừng kỷ niệm 70 năm Truyền thống Học viện...
7. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động Công đoàn Học viện cũng còn một số hạn chế, yếu kém là: một số công đoàn cơ sở, tổ công đoàn mới chỉ dừng ở việc chăm lo thăm hỏi ốm đau, hiếu, hỉ, chưa đi sâu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, chưa thể hiện được vai trò giám sát hoạt động quản lý của đơn vị, việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của đoàn viên công đoàn, dẫn đến vị thế và vai trò của tổ chức công đoàn còn mờ nhạt; còn tình trạng một số cán bộ công đoàn cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Hoạt động của một số công đoàn chưa đều, việc tổ chức sinh hoạt định kỳ của một số đơn vị chưa thường xuyên, nội dung các buổi sinh hoạt công đoàn chưa phong phú, chậm đổi mới, còn lệ thuộc vào chuyên môn. Hoạt động công đoàn ở một số đơn vị, có thời điểm chưa được quan tâm, chú trọng. Việc phối hợp hoạt động giữa các tổ chức có thời điểm chưa được đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Một số thành viên ban chấp hành, cán bộ công đoàn các cấp thiếu tâm huyết với công tác xã hội, công tác đoàn thể, thiếu tích cực, chủ động và tham gia các hoạt động. Do một số công đoàn cơ sở chưa thu hút được các đoàn viên có năng lực và tâm huyết tham gia công tác công đoàn; cán bộ công đoàn ở nhiều đơn vị chưa có nghiệp vụ và kinh nghiệm trong công tác nên còn lúng túng khi triển khai hoạt động.
8. Về phương hướng hoạt động và giải pháp thực hiện: Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới, phát huy những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn mới, các cấp công đoàn Học viện tập trung thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong, nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tăng cường vận động cán bộ, đoàn viên thực hiện chính sách, pháp luật đoàn kết, phát huy tính tiên phong gương mẫu, tinh thần tự giác, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tổ chức Công đoàn Học viện ngày càng vững mạnh.
- Đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thi đua thực hiện văn hóa công sở gắn với thực hiện tốt quy định về văn hóa Trường Đảng.
- Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các cấp công đoàn; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị; chăm lo bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, đoàn viên; tích cực tham gia cải cách hành chính, tham gia xây dựng Đảng, thể hiện rõ là đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
- Tổ chức các phong trào thi đua trong đoàn viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác góp phần phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đẩy mạnh các hoạt động xã hội, từ thiện.
Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Công đoàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vào tháng 6/2019
Để tiếp tục xây dựng Công đoàn Học viện ngày càng vững mạnh toàn diện, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, các tổ chức công đoàn cần quan tâm thực hiện những kinh nghiệm thực tế sau:
- Thường xuyên bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Công đoàn cấp trên, kết hợp với thực tiễn đơn vị để xây dựng nội dung, phương pháp hoạt động thiết thực, hiệu quả. Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp và tạo điều kiện của lãnh đạo chuyên môn để nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Công đoàn và các đoàn thể khác (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh...) trong tổ chức các hoạt động.
- Thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm nâng cao uy tín, vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn.
- Coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cả trong trước mắt và lâu dài, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trọng tâm là cán bộ cơ sở; nâng cao trách nhiệm và lòng nhiệt tình, say mê, tâm huyết với phong trào; đồng thời, chú trọng trình độ chuyên môn của cán bộ công đoàn để đóng góp tích cực vào công tác quản lý ở cơ quan, đơn vị, nâng cao uy tín, vị thế của tổ chức công đoàn.
- Công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện cần sát thực tế, hướng về cơ sở với sự đổi mới nội dung, hình thức hoạt động; làm tốt công tác xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh. Hoạt động của Công đoàn phải thực sự công khai, dân chủ, tập hợp được trí tuệ và sức mạnh của đông đảo đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa các hoạt động của Học viện.
- Ban Chấp hành Công đoàn cần có sự chỉ đạo sát sao tới từng hoạt động, từng phong trào cụ thể; phân công trách nhiệm rõ ràng và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra. Sau mỗi hoạt động cần có sơ kết, tổng kết, đánh giá để rút kinh nghiệm cho các công việc tiếp theo./.
TS Phạm Thị Thành, Chủ tịch Công đoàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thông tin được cập nhật đến năm 2019
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
Trụ sở: 135 Nguyễn Phong Sắc - Nghĩa Tân –
- Cầu Giấy – Hà Nội
Giấy phép xuất bản số: 99/GP-TTDT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/09/2008
Tổng biên tập: PGS, TS. Dương Trung Ý
Email:
Điện thoại:
Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (www.hcma.vn)" khi phát hành lại thông tin từ Website này