Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và công tác nghiên cứu, tổng kết lý luận được đặt ra cấp thiết, “Học viện cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bám sát mục tiêu, yêu cầu, định hướng của chiến lược cán bộ, gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ; đối với công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn; yêu cầu Học viện cần coi trọng tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận, tập trung làm sáng tỏ những vấn đề do thực tiễn đặt ra, kịp thời cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời đấu tranh phản bác những quan điểm thù địch và luận điệu sai trái; phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ”[1].
Đến dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của Học viên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Học viện “có sứ mệnh ưu tiên hàng đầu là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho Đảng và toàn hệ thống chính trị. Học viện cần quyết tâm đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, từ khung chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập cho đến công tác tuyển sinh, quản lý học viên, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập. Kiên quyết khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị, học để đối phó, học cốt để lấy bằng cấp trong Đảng và xã hội. Học viện cần xác định rõ đối tượng đào tạo, tránh chạy theo số lượng; đa dạng hóa các chương trình đào tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng học viên khác nhau. Tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các chức danh lãnh đạo, quản lý theo hướng thiết thực, vừa trang bị tầm nhìn, tư duy chiến lược, phương pháp làm việc, vừa gắn với việc xử lý các tình huống phát sinh trong thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị và đất nước. Học viện phải phấn đấu trở thành một trường học hiện đại, bản sắc và hội nhập…”[2].
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Lễ Khai giảng năm học 2023-2024
Học viện cũng xây dựng và ban hành Khung Chương trình Cao cấp lý luận chính trị - hành chính dành cho cán bộ của Đảng Nhân dân cách mạng Lào (thời gian học 5 tháng); xây dựng 3 Khung chương trình, đề cương chi tiết, tập bài giảng bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho cán bộ của các nước có hợp tác đào tạo, bồi dưỡng với Học viện là: Campuchia, Ănggôla và Môdămbích. Trong năm 2022- 2023, Học viện triển khai sửa đổi Khung chương trình đào tạo Cao cấp lý luận chính trị, Trung cấp lý luận chính trị và Sơ cấp lý luận chính trị dành cho cán bộ của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Đến năm 2024, đã hoàn thành biên soạn bộ Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị, Trung cấp lý luận chính trị và Sơ cấp lý luận chính trị dành cho cán bộ của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Có thể nói, nội dung chương trình đào tạo các hệ lý luận chính trị được xây dựng theo phương châm cơ bản, hệ thống, hiện đại và thực tiễn, đảm bảo được các tiêu chuẩn về kiến thức và kỹ năng, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong môi trường hội nhập và hợp tác quốc tế.
Song song với việc đổi mới nội dung chương trình đào tạo, từ năm 2022, Học viện thực hiện thí điểm đào tạo Cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung tại 7 địa phương[3].
Các Học viện Chính trị khu vực I, II, III, IV, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiến hành đổi mới mạnh mẽ và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, quản lý đào tạo đối với các loại hình, các hệ đào tạo, nhất là hệ Cao cấp lý luận chính trị, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm.
Bên cạnh việc chỉ đạo, quản lý chương trình đào tạo đối với các học viện trực thuộc, Học viện còn quan tâm chỉ đạo và hướng dẫn thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng, bám sát nhiệm vụ, mục tiêu, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng, với hình thức đa dạng, quy mô ngày càng mở rộng.
Thực hiện Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính theo quy định và hướng dẫn của Học viện, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình đào tạo theo phương châm gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành, sắp xếp lại các học phần, đảm bảo tính hệ thống, khoa học, đan xen học lý thuyết với thảo luận, báo cáo chuyên đề thực tế. Nhiều trường đã bổ sung một số chuyên đề theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; tăng cường mời báo cáo viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện.
Đối với hệ đào tạo đại học: Đến năm 2019, đã cơ bản hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Khung chương trình, biên soạn giáo trình đại học văn bằng hai (5 bộ khung chương trình và 65 bộ giáo trình cho 5 chuyên ngành đại học). Thực hiện Quyết định số 19-QĐ/ĐA 979 ngày 16-8-2023 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phê duyệt kế hoạch triển khai các nhiệm vụ của Đề án 979, năm 2023, các đơn vị trong Học viện đã hoàn thành việc biên soạn Giáo trình đào tạo đại học chính trị.
Các đại biểu và học viên tham dự Lễ Khai giảng năm học 2023-2024 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Đối với hệ đào tạo sau đại học:
Năm 2023, Học viện tiến hành xây dựng Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng phù hợp với Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Học viện[4].Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã cập nhật, bổ sung, xây dựng mới chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, đảm bảo tính khoa học, hiện đại, hệ thống và chuyên sâu.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và năng lực đào tạo của một số viện chuyên ngành, Học viện đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở mã ngành đào tạo thạc sĩ như các ngành: Chính sách công, Lãnh đạo học, Quản lý xã hội, Quản lý phát triển xã hội; đồng thời xây dựng, mở thêm 1 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ và 2 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ[5], nâng tổng số ngành đào tạo trình độ tiến sĩ lên con số 16 ngành và 19 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ.
Trong những năm 2020-2023, Học viện đã xây dựng, ban hành mới nhiều văn bản, quy chế, quy định về công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo các trình độ thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp với các quy định, quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo như: Quyết định số 4350-QĐ/HVCTQG ngày 17-9-2021; Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ được ban hành theo Quyết định số 8488-QĐ/HVCTQG ngày 23-3-2022; ban hành Danh mục các ngành đúng, ngành phù hợp với ngành tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ theo Quyết định số 14818-QĐ/HVCTQG ngày 16-2-2023; Danh mục các ngành đúng, ngành phù hợp với ngành tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ theo Quyết định số 14817-QĐ/HVCTQG ngày 16-2-2023…Điều đó, giúp cho hoạt động đào tạo các trình độ đại học, sau đại học ngày càng thực hiện bài bản, đúng quy định, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo.
Công tác tuyển sinh, nhất là việc thi tuyển, xét tuyển, phân bổ chỉ tiêu đào tạo và quản lý đào tạo được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Học viện. Học viện phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các ban ngành, địa phương xây dựng, phân bổ chỉ tiêu đào tạo cho hợp lý, đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ của các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương, đồng thời đảm bảo cân đối với nguồn lực hiện có của Học viện. Thực hiện phân bổ chỉ tiêu đào tạo cho các đơn vị trực thuộc được thực hiện trên cơ sở các điều kiện nguồn lực thực tế của từng đơn vị.
Quy mô đào tạo, bồi dưỡng của Học viện ngày càng đổi mới, điều chỉnh theo hướng đa dạng hóa các loại hình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và thực tiễn đặt ra; tăng cường thực hiện đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.
Hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị: Trong năm 2023, tổng số học viên hệ cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung và không tập trung trong toàn hệ thống Học viện là: 7.311 học viên (hệ tập trung: 3.387; hệ không tập trung: 3.924). Trong đó: Trung tâm Học viện: 2.690 học viên; Học viện Chính trị khu vực I: 1.775 học viên; Học viện Chính trị khu vực II: 1.476 học viên; Học viện Chính trị khu vực III: 1.276 học viên; Học viện Chính trị khu vực IV: 1.059 học viên. Hệ hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị trong toàn hệ thống là 965 học viên. Năm 2023, quy mô đào tạo cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung của cả hệ thống Học viện giảm 11,2% so với năm 2022[6].
Hệ đào tạo cử nhân chính trị tiếp tục được quan tâm. Toàn hệ thống Học viện đã tuyển sinh đại học hệ 4 năm và đại học chính trị văn bằng hai với khoảng 5.649 thí sinh trúng tuyển đại học chính quy, đại học văn bằng hai. Trong đó, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đào tạo 28 chuyên ngành bậc đại học, bao gồm hệ Đại học chính quy tập trung và hệ Đại học vừa làm, vừa học cho các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các địa phương và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương.
Hệ đào tạo sau đại học không chỉ góp phần nâng cao vị thế của Học viện, mà còn tạo điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của Học viện. Hằng năm, Học viện đã tổ chức tốt các kỳ thi tuyển sinh cao học và nghiên cứu sinh các chuyên ngành theo chỉ tiêu được duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các Học viện trực thuộc cũng chủ động, tích cực trong công tác đào tạo sau đại học. Học viện Chính trị khu vực II, IV đã phối hợp mở các lớp cao học,trong đó có nhiều chuyên ngành: Văn hóa, Chính trị học, Lịch sử Đảng, Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Kinh tế chính trị, Nhà nước và pháp luật, Chính sách công, Tôn giáo, Báo chí, Phát thanh - truyền hình. Năm 2023, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã rà soát, cập nhật, bổ sung, xây dựng mới Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; đề xuất điều chỉnh phù hợp các chương trình chuyển đổi đối với các đối tượng thí sinh dự thi cao học, đảm bảo tính khoa học, hiện đại, hệ thống, chuyên sâu.
Học viện đã hoàn thành Đề án Mở mã ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị, hướng tới đào tạo giảng viên lý luận chính trị cho hệ thống Học viện, các trường chính trị tỉnh, thành phố, trình Ban Bí thư Trung ương Đảng xem xét quyết định; xây dựng Đề án Về đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng chế độ chính sách cho học viên Lào học tập tại các cơ sở đào tạo của Học viện trong tình hình mới, trình Ban Bí thư xem xét, phê duyệt.
Cùng với các hệ đào tạo lý luận chính trị và đào tạo sau đại học, Học viện chú trọng hệ bồi dưỡng theo hướng bồi dưỡng chức danh. Trong đó tập trung nâng cao chất lượng, mở rộng cả về số lượng và loại hình bồi dưỡng. Nhận rõ tầm quan trọng của việc chuẩn bị nguồn cán bộ chủ chốt cấp chiến lược cho Đảng và Nhà nước, của các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Học viện đã chủ động xây dựng Khung chương trình, các đề án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ khoa học lý luận chính trị của hệ thống chính trị; đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng theo phương châm “cơ bản, hệ thống, thực tiễn, hiệu quả và hiện đại” gắn với khung năng lực, chức danh, vị trí việc làm, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng.
Năm 2020, Học viện đã tổ chức 42 lớp bồi dưỡng chức danh, trong đó có 3 lớp bồi dưỡng kiến thức mới dành cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng; 9 lớp bồi dưỡng chức danh dành cho trưởng ban, phó Ban Tổ chức các tỉnh, thành ủy và tương đương; chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra các tỉnh, thành ủy và tương đương; bí thư, phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương. Năm 2022, Học viện đã tổ chức 10 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức dành cho các chức danh Trưởng, phó Ban Đảng cấp tỉnh và tương đương về công tác Tổ chức, Tuyên giáo, Kiểm tra, Dân vận; Bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương; Phó Bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương; 7 lớp (105 học viên) bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho giảng viên, cán bộ của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào[7]… Năm 2023, Học viện chủ trì xây dựng nội dung, chương trình và phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, tổ chức thành công 3 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII; 1 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XIII; 3 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 2 Chương trình trao đổi chuyên đề dành cho cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước Lào[8]... Điều đó đã khẳng định năng lực và nâng cao vị thế, uy tín của Học viện.Hệ thống Học viện đã phối hợp với các địa phương tổ chức 51 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức dành cho đối tượng 3, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ với 3. 699 học viên[9].
Học viện đã xây dựng Đề án: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019-2030 và được Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt theo Quyết định số 587/QĐ-TTg. Học viện đã xây dựng nội dung, chương trình và thực hiện hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và giảng viên lý luận chính trị tại Học viện và các địa phương trong cả nước. Trong năm 2022, đã hoàn thành: Tài liệu bồi dưỡng phương pháp nghiên cứu khoa học lý luận chính trị; tài liệu bồi dưỡng giảng viên tư tưởng Hồ Chí Minh; ban hành nội dung thực tập sư phạm thuộc Chương trình đào tạo Đại học văn bằng thứ hai ngành Chính trị học và ngành Lý luận chính trị; xây dựng và biên soạn 7 Chương trình bồi dưỡng nâng cao kiến thức, phương pháp, kỹ năng giảng dạy chuyên sâu dành cho cán bộ, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị cấp tỉnh; tổ chức 8 lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với sự tham gia của 491 học viên là cán bộ, giảng viên các trường chính trị cấp tỉnh; 2 lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy hiện đại... Trong năm 2023, Học viện đã tổ chức 9 lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh dành cho 512 cán bộ, giảng viên hệ thống Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức 2 đoàn đi học tập, bồi dưỡng tại nước ngoài cho 30 cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên Học viện và các trường chính trị.
Học viện đã thực hiện xây dựng Đề án đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2026 và được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 21-6-2021 Phê duyệt đề án Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2026. Đây là bước đột phá quan trọng để Học viện nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc, Đề án 979 được triển khai tích cực. Năm 2022, đã triển khai 2 nhiệm vụ phát triển chương trình đào tạo đại học[10], 1 nhiệm vụ phát triển chương trình đào tạo lý luận chính trị[11], 8 chương trình bồi dưỡng[12] và triển khai sửa đổi khung chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị dành cho cán bộ của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Học viện Báo chí và Tuyên truyền xây dựng đề án mở 8 chương trình đào tạo nhóm ngành giảng viên lý luận chính trị, ngành giảng viên Hồ Chí Minh học. Năm 2023, đã hoàn thành 2 chương trình đào tạo lý luận chính trị, 19 chương trình đào tạo thạc sĩ, 10 chương trình bồi dưỡng chức danh. Học viện Chính trị khu vực I và Học viện Chính trị khu vực III mỗi đơn vị xây dựng 4 chương trình bồi dưỡng chức danh; Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã rà soát, tích hợp các chương trình đào tạo ở các trình độ và chương trình đào tạo chất lượng cao theo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các Học viện trực thuộc cũng đẩy mạnh công tác bồi dưỡng cán bộ. Học viện Chính trị khu vực I và Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã mở các lớp bồi dưỡng dành cho đối tượng là giám đốc, bí thư đảng ủy doanh nghiệp, cán bộ tổ chức, cán bộ kiểm tra, tôn giáo, dân tộc, cán bộ làm công tác tuyên giáo, bồi dưỡng tư tưởng Hồ Chí Minh, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức, kiểm tra - giám sát, công tác dân vận, tuyên giáo; bồi dưỡng cho hàng trăm cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành tuyên giáo, các cơ quan báo chí - truyền thông của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; các lớp bồi dưỡng cán bộ của Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia; các lớp bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị các trường chính trị, các trường đại học và cao đẳng; bồi dưỡng bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý làm công tác tư tưởng, báo chí, quan hệ công chúng, xuất bản trong cả nước.
Với mục tiêu đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường bộ, ngành tăng cường mở các lớp tập trung tại trường và đẩy mạnh liên kết với các cơ sở đào tạo của Trung ương, các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể mở các lớp đào tạo chương trình cao cấp lý luận, các lớp quản lý hành chính. Học viện đã và đang phối hợp tốt với Ban Tổ chức Trung ương và các ban, ngành, địa phương để xây dựng và phân bổ chỉ tiêu đào tạo hợp lý, đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đảm bảo cân đối với nguồn lực hiện có của Học viện.
Năm học 2020-2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp,Giám đốc Học việ đã ban hành một số văn bản đảm bảo hành lang pháp lý phục vụ cho công tác đào tạo trong điều kiện bất thường.
Trong những năm 2020-2023,Học viện đã xây dựng, ban hành mới nhiều văn bản, quy chế, quy định về công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo các trình độ thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp với các quy định, quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp cho hoạt động đào tạo các trình độ đại học, sau đại học thực hiện đúng quy định, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo.
Ban Giám đốc Học viện thường xuyên chỉ đạo sát sao đối với các Học viện trực thuộc; xây dựng và duy trì chế độ báo cáo thường xuyên đối với Giám đốc Học viện. Việc phối hợp công tác giữa các đơn vị chức năng trong Học viện cũng có nhiều thay đổi tích cực. Nhờ đó, các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng khắc phục được nhiều vướng mắc về kỹ thuật thường gặp trước đây. Học viện đã tiến hành xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định liên quan đến quản lý đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện quản lý thống nhất và đồng bộ trong toàn hệ thống; đẩy mạnh phân cấp quản lý, nhằm giảm bớt khâu trung gian, cồng kềnh và kém hiệu quả; tiếp tục tăng cường đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng tăng cường tương tác, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học; tạo hành lang pháp lý để đưa hoạt động đào tạo, bồi dưỡng vào nề nếp; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật, chất lượng và hiệu quả.
Việc phân cấp trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị và bồi dưỡng chức danh được được thực hiện một cách chặt chẽ, khoa học. Ban Giám đốc đã phân bổ chỉ tiêu một cách hợp lý và giám sát toàn bộ quy trình tuyển sinh, tổ chức đào tạo của các Học viện Chính trị khu vực.
Đối với đào tạo đại học và sau đại học, Học viện thực hiện nhiều phương án tổ chức nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực của toàn hệ thống: Học viện Báo chí và Tuyên truyền được giao cơ chế tự chủ (có Quy chế riêng), đối với các Học viện Chính trị khu vực, tuỳ điều kiện cụ thể để được bố trí phương án phù hợp: 1, đặt lớp; 2, tham gia một phần chương trình đào tạo; 3, chủ trì toàn bộ quá trình giảng dạy và quản lý lớp học. Những đổi mới đó đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực, trong đó, đã thống nhất hệ thống về nội dung chương trình đào tạo; thực hiện các kế hoạch đào tạo và trong tổ chức thi tốt nghiệp hệ thống với hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị tập trung.
Với mục đích đưa các hoạt động đào tạo của Học viện ngày càng đảm bảo chặt chẽ, thống nhất trong toàn hệ thống, đưa công tác quản lý đào tạo vào nề nếp, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, chất lượng và hiệu quả, Học viện đã sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các quy chế, quy định liên quan đến quản lý đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện quản lý thống nhất và đồng bộ trong toàn hệ thống. Bban hành Quy chế đào tạo Cao cấp lý luận chính trị theo Quyết định số 6125/QĐ-HVCTQG ngày 18-10-2018 (Quy chế 6125); Quy chế giảng viên; Quy định và hướng dẫn tổ chức thực hiện đề án tốt nghiệp hệ cao cấp lý luận chính trị; Quy định về quản lý học viên các hệ lớp tại Trung tâm Học viện; Quy chế khảo thí; Quy chế đánh giá chất lượng đào tạo; xây dựng dự thảo Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo; xây dựng ngân hàng đề thi kết thúc môn học cho các hệ lớp; Quy định khai thác, sử dụng phần mềm kiểm tra trùng lặp nội dung đối với luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ...
Việc triển khai Quy chế đào tạo 6125 đã tạo ra bước thay đổi khác biệt so với trước trong quản lý đào tạo Cao cấp lý luận, tác động trực tiếp đến quá trình tổ chức giảng dạy của giảng viên và quá trình đánh giá việc học tập và rèn luyện của Học viên; đặt ra yêu cầu phối hợp giữa cơ sở đào tạo với đơn vị phối hợp mở lớp và cơ sở đặt lớp trong tổ chức đào tạo Cao cấp lý luận chính trị. Đây là bước tiến mới trong công tác lãnh đạo, quản lý lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng của Học viện, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
Học viện đã đổi mới công tác quản lý hoạt động học tập và rèn luyện của học viên một cách chặt chẽ và toàn diện cả trong và ngoài giờ lên lớp; về tinh thần thái độ học tập và văn hóa ứng xử nhằm giúp học viên được học tập và rèn luyện mọi mặt; tăng cường kỷ cương, kỷ luật học đường với nhiều biện pháp: sử dụng hệ thống camera giảng đường; thiết bị điểm danh học viên bằng vân tay; lập sơ đồ chỗ ngồi học viên, điểm danh vào thời gian bắt đầu và kết thúc buổi học…Các cơ quan quản lý đào tạo và cơ quan thanh tra thường xuyên cử cán bộ đi kiểm tra hoạt động dạy và học trên lớp. Đặc biệt, lãnh đạo các cơ sở đào tạo trong hệ thống Học viện trực tiếp thực hiện việc kiểm tra đột xuất việc dạy và học, từ đó, uốn nắn kịp thời những mặt còn hạn chế; tăng cường tính chuyên nghiệp của các đơn vị quản lý đào tạo.
Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng được đổi mới theo phương châm “lấy học viên làm trung tâm, giảng viên làm động lực và nhà trường làm nền tảng”, tăng cường tương tác, đối thoại giữa giảng viên và học viên, sinh viên; chọn lựa địa điểm đi nghiên cứu thực tế điển hình, phù hợp... Học viện tiếp tục cải tiến phương pháp dạy và học, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra bảo đảm chất lượng, đi đôi với việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học cũng không ngừng được đổi mới theo phương châm gắn lý luận với thực tiễn và tăng cường tương tác, phát huy tính chủ động sáng tạo của người học, ứng dụng công nghệ thông tin trong các bài giảng. Bằng nhiều hình thức, đa dạng hóa phương pháp giảng dạy, tích cực thảo luận, trao đổi ý kiến về những vấn đề mới, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.
Với cơ cấu tổ chức theo hướng tập trung một đầu mối là Vụ Quản lý Đào tạo[13], công tác khảo thí đào tạo được thực hiện hiệu quả và có nhiều đổi mới, đúng quy trình, thống nhất, chặt chẽ, bao quát toàn diện từ hoạt động giảng dạy của giảng viên đến đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học viên nhằm hướng đến mục tiêu: học thực chất, thi thực chất và kết quả thực chất.
Việc tổ chức đánh giá kết quả tập tiếp tục được đổi mới theo hướng đa dạng hóa hình thức kiểm tra, đánh giá, như: thi vấn đáp, thi tự luận đề mở, thi tự luận đề đóng, thi trắc nghiệm đối với một số môn học phù hợp. Việc xây dựng ngân hàng đề thi cho các hệ đào tạo gắn chặt với chương trình đào tạo và được thực hiện tốt từ khâu xây dựng, quản lý, sử dụng đề thi kết thúc môn học. Ngân hàng đề thi tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị, đề thi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hằng năm. Học viện đã xây dựng bộ đề thi, ban hành quy định và triển khai tổ chức thi trắc nghiệm hết học phần các môn hệ Cao cấp lý luận chính trị trên máy tính. Công tác kiểm tra, đánh giá được thực hiện nghiêm túc, quản lý chặt chẽ đúng quy định, quy chế; công tác phát hành điểm thi hết môn/học phần, bảng điểm học tập toàn khóa được thực hiện kịp thời, đúng tiến độ theo từng tháng.
[1] Trích bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của Học viện (9/1949-9/2014) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (lần 2).
[2]Trích bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống của Học viện (9/1949-9/2019).
[3] Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bến Tre, Quảng Bình, Kiên Giang.
[4]Các viện đang sửa lại khung chương trình của 19 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu và xây dựng thí điểm 5/14 chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng (bao gồm các ngành Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước; Quản lý kinh tế; Chính sách công; Chính trị học; Pháp luật về quyền con người).
[5] Quyết định số 3086/QĐ-BGDĐT ngày 6-10-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cho phép Học viện
Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo thí điểm ngành Pháp luật về quyền con người trình độ tiến sĩ; Quyết định số1969/QĐ-BGDĐT ngày 15-7-2020 về việc cho phép đào tạo ngành Quản lý văn hóa trình độ thạc sĩ; Quyết địnhsố4697/QĐ-BGDĐT ngày 17-12-2021 về việc cho phép đào tạo thí điểm ngành Quản lý nhà nước trình độ thạc sĩ.
[6]Xem:Báo cáo Tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, giai đoạn 2014-2019
[7] Xem: Báo cáo Tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023
[8] Xem: Báo cáo Tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024
[9] Xem: Báo cáo Tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024
[10]Chương trình đào tạo đại học ngành Chính trị học, chuyên ngành Xây dựng Đảng và chính quyền và chuyên ngành công tác tôn giáo cho người đã có bằng đại học
[11] Nguyên cứu phát triển chương trình Trung cấp lý luận chính trị
[12]Nghiên cứu phát triển các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ: Chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho các đồng chí Ủy viên dự khuyết; công tác tuyên huấn, tổ chức, kiểm tra, dân vận, đối ngoại, bí thư cấp ủy cấp huyện cho cán bộ lãnh đạo Đảng Nhân dân Cách mạng Lào
[13]Trước tháng 10 -2018, Học viện có 3 đơn vị cùng tham gia vào hoạt động đào tạo gồm: Vụ Quản lý Đào tạo; Viện Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý; Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo.
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
Trụ sở: 135 Nguyễn Phong Sắc - Nghĩa Tân –
- Cầu Giấy – Hà Nội
Giấy phép xuất bản số: 99/GP-TTDT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/09/2008
Tổng biên tập: PGS, TS. Dương Trung Ý
Email:
Điện thoại:
Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (www.hcma.vn)" khi phát hành lại thông tin từ Website này